“Nếu như trước đây, việc trở thành người trồng cà phê trong xã hội Indonesia là điều hết sức bình thường, thì bây giờ đó là điều bạn phải tự hào”.
Salzi Pungkih, một người nông dân trồng cà phê lâu năm ở Indonesia đã nói thế khi những loại cà phê đến từ quốc gia này ngày càng được giá trên thị trường.
Đặc biệt là loại cà phê
GAYO MANDHELING
Loại cà phê mang hương vị Châu Mỹ Latin giữa lòng Châu Á.

Một người nông dân trồng cà phê Indonesia đầy tự hào về thành quả của mình
Trên hành trình khám phá loại cà phê Indonesia – quốc gia trồng cà phê lớn thứ 4 thế giới, chúng tôi nhận ra rằng:
Với lịch sử gần 400 năm trồng cà phê của mình, người dân Indonesia không chỉ truyền lại cho con cháu những mảnh đất trồng cà phê màu mỡ. Cùng với đó, họ còn truyền lại rất nhiều những giá trị, kiến thức, truyền thống và hương vị cà phê đặc sắc của nơi đây. Để rồi từ đó:
Cà phê Indonesia tốt hơn mỗi ngày.
Danh tiếng cà phê Indonesia đã lan đi rất xa.
Hương vị cà phê Indonesia cũng trở nên đặc sắc hơn hẳn.
Và ở vùng cao nguyên Gayo ở Sumatra, Indonesia – khu vực được coi là đồn điền cà phê Arabica lớn nhất Đông Nam Á, rất nhiều những loại cà phê chất lượng tốt nhất Indonesia đã được ra đời, trong đó có cả loại cà phê mà bạn đang đọc đây.
TRONG TÁCH CÀ PHÊ CỦA BẠN SẼ CÓ THỂ CÓ GÌ
Herbal , Honey , Berry, Sweet Aftertaste là những gì bạn có thể cảm nhận được ở tách cà phê Indonesia Gayo Mandheling
- Vùng: Gayo Highlands, Aceh Province, Sumatra, Indonesia
- Độ cao: 1100 – 1200m
- Giống: Gayo 1 (TimTim), Gayo 2 (Bourbon), Ateng (P88), Jember linies
- Phương Pháp Sơ Chế: Mandheling / Wet-Hulled (Tách vỏ ướt)
- Phân Loại: G1
- Độ rang: Light (Sáng)
VỀ CÀ PHÊ INDONESIA

Một người nông dân Indonesia cần mẫn hái quả chín
Indonesia là nước sản xuất cà phê lớn thứ tư trên thế giới. Ngành công nghiệp cà phê ở đây không chỉ lớn mạnh mà còn có một lịch sử canh tác khá lâu đời, sớm hơn hẳn những thủ phủ cà phê như Brazil hay Việt Nam. Từ những năm 1600, những cây cà phê Arabica đã được trồng và canh tác ở đây bởi người Hà Lan, rồi được xuất khẩu sang Châu Âu với số lượng lớn.
Ngày nay, Indonesia có khoảng 1,24 triệu ha cà phê, nhưng trong số đó có tới gần 75% là Robusta. Lý do là bởi vào những năm 1870, thời điểm mà gần 100% cà phê ở đây là Arabica, căn bệnh gỉ sắt đã tấn công và gây nên những hệ quả nghiêm trọng tới cả ngành cà phê Indonesia. Chính vì thế, người nông dân Indonesia đã dần phải thay thế những cây cà phê Arabica bằng giống Robusta chống chịu sâu bệnh tốt hơn.
Hiện tại, ở Indonesia chỉ còn 25% số cà phê còn lại là Arabica chất lượng cao, và đa phần được trồng ở vùng đảo Sumatra – hòn đảo lớn nhất Indonesia. Và tại đây, vùng cao nguyên Gayo phía bắc Sumatra đã sản sinh ra rất nhiều loại cà phê Arabica được đánh giá là tốt nhất Indonesia.

Những vùng trồng cà phê chính ở Indonesia
VỀ VÙNG TRỒNG CÀ PHÊ GAYO Ở ĐẢO SUMATRA
Gần 60% cà phê Arabica của Indonesia đến từ những cây cà phê trên đảo Sumatra. Từ rất lâu, cà phê nơi đây đã được mọi người đánh giá cao về hương vị với cảm giác đầm dày cùng những vị hoa quả êm dịu. Các cây Arabica mọc ở nhiều vùng khác nhau của Sumatra, nhưng phần lớn là ở phía Bắc, nơi có cao nguyên Gayo cao trên 1400m. Chính môi trường nhiệt đới ấm áp và độ cao thuận lợi (1100 – 1500m) của khu vực này đã tạo tiền đề cho sự ra đời của một loạt những loại cà phê Arabica chất lượng cao.

Vùng cao nguyên Gayo Sumatra Indonesia
Cà phê ở Gayo đa phần được sản xuất bởi các hộ nông dân nhỏ, mỗi người sở hữu trung bình chỉ khoảng 1 ha cà phê. Ở nơi đây, cà phê cũng được thu hoạch giống những nơi sản xuất cà phê chất lượng cao khác, đó là hái bằng tay. Chính điều này cho phép người nông dân chọn được những trái cà phê chín đủ, đạt chất lượng tốt nhất về hình dáng, mùi thơm và hương vị.
Không chỉ thế, trong 10 năm qua, rất nhiều hộ nông dân nhỏ ở vùng cao nguyên Gayo đã thành lập nên các hợp tác xã, cùng nhau củng cố vị thế cà phê của họ và mở đường cho việc đạt được hàng loạt chứng nhận danh giá trong giới cà phê như Fair Trade, Organic và Rainforest Alliance.

Một nữ nông dân trồng cà phê Indonesia
Chính ở nơi đây, những loại cà phê Gayo Mandheling chất lượng cao đã được ra đời.
Câu chuyện về cái tên Mandheling. Mandheling là một từ được đọc trại đi từ từ Mandailing, tên một tộc người vùng Tapanuli của Sumatra. Câu chuyện hài hước kể lại rằng: Ngày xưa vào thời kỳ thế chiến II, khi mà quân đội Nhật Bản còn đóng quân ở đây, có một người lính Nhật Bản do cực kỳ yêu thích cà phê nơi đây nên đã đi tìm hỏi người dân địa phương về tên của loại cà phê mình uống. Người đàn ông địa phương thuộc tộc người Mandailing khi được hỏi lại nghe nhầm là “tộc người của ông là gì”. Thế là, người lính nhật nghe ra Mandheling là tên loại cà phê mình uống. Về sau, khi trở lại Sumatra năm 1969 với tư cách là một người buôn bán cà phê, người lính đó bắt đầu nhập và bán loại cà phê nơi đây với cái tên ‘Mandheling’ . Và đó là lúc danh tiếng của loại cà phê này bắt đầu.
Kể từ đây, cái tên Mandheling bắt đầu được gắn liền với những loại cà phê Arabica được sơ chế bằng phương pháp Wet Hulled ở vùng đảo Sumatra, trong đó có những loại cà phê chất lượng cao từ vùng Gayo.

Một người nông dân Indonesia đang kiểm tra những hạt cà phê đang phơi của mình
VỀ CÁCH SƠ CHẾ CÀ PHÊ ĐỘC ĐÁO WET – HULLED (Giling Basah) của người Indonesia
Cách sơ chế độc đáo tạo nên loại cà phê Gayo Mandheling
Wet – Hulled (tách vỏ ướt) là cách sơ chế cà phê ra đời để thích ứng với điều kiện thời tiết của Indonesia. Indonesia có độ ẩm cao từ 70 – 90%, bão xảy ra liên tục và lượng mưa trung bình khoảng 2.000mm mỗi năm.
Chính những điều này khiến cho việc làm khô cà phê trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Bình thường ở những nước khí hậu ấm áp, ít nhất phải mất tới 2-3 tuần để làm khô cà phê. Còn ở hầu hết các vùng của Indonesia, thời gian ấy sẽ phải gấp đôi, gấp ba nếu phơi theo kiểu bình thường. Do đó, nhiều loại vi khuẩn có thể hoạt động mạnh hơn trong cà phê, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cốc đồ uống sau này.

Vùng đất Gayo đầy mưa và ẩm ướt nhưng vẫn có thể tạo ra những loại cà phê chất lượng nhờ cách sơ chế Wet Hulled
Quá trình sơ chế Giling Basah hay còn được gọi là “Wet Hulled – Tách ướt” được thực hiện rất kỹ lưỡng và phức tạp. Quả cà phê phải được hái chín đều đồng nhất, sau đó nghiền nhẹ cho bung lớp vỏ ngoài và nhân ra rồi cho vào bể nước ngâm qua đêm. Sáng hôm sau, những hạt cà phê ấy sẽ được đem đi để tách bỏ lớp nhầy còn dính trên hạt và sẵn sàng đem đi phơi khô tới 2 lần.
Lần 1, cà phê sẽ được phơi trong không quá 3 ngày, đến khi mà hạt cà phê đạt độ ẩm 20 – 24% là được.

Những ánh nắng hiếm hoi để phơi cà phê
Sau đó để chuẩn bị cho lần phơi thứ 2, người nông dân Indonesia sẽ đem cà phê đến các cơ sở sơ chế cà phê lớn để tách vỏ thóc bên ngoài hạt cà phê. Tại các nhà máy này có những chiếc máy tách (máy Wet Hull) khổng lồ, chỉ có chúng mới đủ lực để làm việc đó, bởi hạt cà phê lúc này vẫn còn độ ẩm lớn nên cần nhiều lực ma sát hơn để tách lớp vỏ ra.

Chiếc máy tách vỏ to gấp 3 lần các máy tách vỏ thường
Sau khi tách vỏ xong, hạt cà phê được đem đi phơi khô lần 2 đến khi đạt đổ ẩm tầm 12 – 13% để sẵn sàng đi xuất khẩu. Trong thời gian này, ban ngày thì hạt cà phê được phơi ngoài nắng, nhưng ban đêm thì lại được cho vào túi để tiếp tục lên men. Với cách sơ chế Wet Hulled, hạt cà phê có thể được làm khô nhanh hơn gấp 2 – 3 lần, bởi hạt cà phê không còn lớp vỏ thóc cứng bên ngoài nên nên ánh nắng mặt trời và các nguồn nhiệt có thể dễ dàng xâm nhập và làm khô hạt.

Những hạt cà phê Wet – Hulled thành phẩm
Và cũng chính vì những điểm đặc biệt trong cách sơ chế này mà những hạt cà phê Wet Hulled thành phẩm có thể tạo ra được những hương vị vô cùng đặc biệt. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khác nhau như trong các khâu làm khô hay bảo quản, mà cà phê Indonesia vẫn bị nhiều lỗi và đa phần được xuất khẩu làm cà phê thương mại hay dùng để phối trộn với các loại cà phê khác.
Thế nhưng bên cạnh đó vẫn có những vùng trồng cà phê thực sự tốt và chuyên tâm đến chất lượng của từng hạt cà phê, có thể kể đến như vùng Sulawesi hay Sumatra.
Và trong đó có cà phê từ: Vùng Gayo thuộc đảo Sumatra mà bạn sắp được tận hưởng đó. Những hương vị từ loại cà phê Indonesia Gayo Mandheiling này sẽ không làm bạn thất vọng đâu.
Uống thử để thấy được cà phê sơ chế Wet Hulled chuẩn chỉ là như thế nào nhé !!
Một Số Fact Hay Về Cà Phê Indonesia
- Cà phê được đem đến Indonesia từ hơn 400 năm trước, từ những năm 1600 bởi người Hà Lan.
- Bảng xếp hạng cà phê ngon nhất thế giới năm 2019 vinh danh cà phê Indonesia ở vị trí thứ năm và thứ sáu, xếp sau Kona từ Hawail, Blue Mountain từ Jamaica, Kenya AA và Tanzania Peaberry.
- Cà phê Indonesia chỉ có giá 0,12 Euro vào những năm 1980, con số đó hiện tại đã nâng lên tới gần 30 lần.
- Indonesia sở hữu quán Starbuck rộng nhất Đông Nam Á với gần 20000 mét vuông. Starbuck đồng thời cũng là một đối tác lớn với nhiều loại cà phê từ Indonesia trong hơn 16 năm qua.
Nếu bạn là người mới tham gia vào thế giới Cà phê Specialty,
những bài viết sau sẽ giúp ích cho bạn ^^