Trà Cascara của giống cà phê Geisha huyền thoại
từ nông trại Hartmann, Panama
Giới thiệu chung
Hương hoa (Floral) Trái cây chín sấy khô (Dried Ripen Fruits) Nhãn (Longan) Hồng trà (Red tea) Ngọt (Sweet) là những gì bạn cảm nhận được trong tách trà Cascara Geisha Panama.
Dưới đây là thông số của trà Cascara Geisha Panama:
- Quốc gia: Panama
- Giống: Geisha
- Vùng trồng: Nông trại Hartman, tiểu vùng Santa Clara, quận Renacimiento, tỉnh Chiriquí
- Độ cao: 1800m
- Phương pháp sơ chế: Sơ chế Khô (Natural)
Về Trà Cascara
Hầu hết mọi người đều biết về hạt cà phê, nhưng không phải ai cũng biết về một phần khác cũng vô cùng đáng nhắc đến của loạt hạt nổi tiếng này. Đó là nguyên liệu tạo nên loại trà có tên Cascara hay ho, độc đáo mà ai cũng nên thử trải nghiệm ít nhất một lần trong đời. Vậy thì hãy cùng Visty tìm hiểu về “nhân vật” tưởng như xa lạ nhưng lại rất đỗi thân quen này của cây cà phê nhé.
Hạt cà phê là hạt của một loại trái cây có tên gọi là quả cà phê. Loại quả này có kích thước nhỏ, hơi giống quả cherry và thường có màu vàng hoặc đỏ khi chín, tùy theo các giống khác nhau. Bản thân toàn bộ quả cà phê nói chung đều có chứa caffeine (đó là lý do hạt cà phê có chứa caffeine nè). Phần vỏ và thịt quả cà phê ở ngoài cùng có nhiệm vụ bao bọc và bảo vệ hạt giống vô cùng quý giá bên trong khỏi sâu bọ và các loài động vật hoang dã khác. Hạt giống cà phê này khi lớn lên và đạt đủ độ “trưởng thành” sẽ được đem đi rang, xay và pha chế thành cốc cà phê chúng ta vẫn uống thường ngày. Thế còn chuyện gì sẽ xảy ra với những “người anh hùng” vỏ và thịt quả đã vô cùng dũng cảm và chăm chỉ để bảo vệ các “em bé” hạt giống đó? Thông thường sau khi thu hoạch cà phê thì người nông dân sẽ có một quy trình để tách phần vỏ và thịt quả khỏi hạt cà phê. Và trong khi các hạt cà phê siêu sao có cơ hội được tiếp tục hành trình thể hiện vẻ đẹp hương vị trong những cốc đồ uống thơm ngon, thì phần vỏ và thịt quả lại thường bị bỏ đi sau khi tách khỏi hạt. Trong một số trường hợp, chúng cũng có thể được sử dụng như phân bón hữu cơ cho cây cà phê.
Nếu chỉ có như vậy thì thật là lãng phí. Và không để “người anh hùng” của chúng ta thất vọng, những người Ethiopia (đất nước khai sinh ra cà phê) và Yemen đã trao cho phần vỏ và thịt quả cà phê một cơ hội để tỏa sáng. Từ nhiều thế kỷ trước, người dân tại những quốc gia này đã phơi khô rồi ngâm ủ vỏ và thịt quả cà phê cùng gừng, nhục đậu khấu hoặc quế để tạo thành một loại trà có tên gọi là Hashara tại Ethiopia và Qishr tại Yemen. Thậm chí, có người còn cho rằng phần vỏ và thịt quả đã được bắt đầu sử dụng từ rất lâu, trước cả khi con người phát hiện ra có thể rang và pha chế đồ uống từ hạt cà phê. Rồi khi danh tiếng của hạt cà phê lan tỏa khỏi Châu Phi, “người anh hùng” thịt quả đã có cho riêng mình một cái tên mới – Cascara (có nghĩa là “vỏ trái cây” trong tiếng Tây Ban Nha). Trà Cascara ngày nay vẫn rất phổ biến tại Yemen và Ethiopia, chúng thậm chí còn được tiêu thụ nhiều hơn hạt cà phê tại những quốc gia này.
Tuy vậy, danh tiếng của Cascara trên toàn thế giới vẫn “lép vế” khi so sánh với hạt cà phê. Trên thế giới, rất ít người sản xuất Cascara, và số lượng quốc gia xuất khẩu sản phẩm này còn ít hơn nữa. Gần đây, những người trồng cà phê tại các quốc gia Nam Mỹ đã theo kịp xu hướng này và học tập phương pháp để bắt đầu sản xuất Cascara bên cạnh hạt cà phê. Sản xuất Cascara cũng đòi hỏi nhiều công sức, sự tỉ mỉ và chăm chút cẩn thận không kém so với sản xuất hạt cà phê. Và cũng tương tự đồ uống từ hạt cà phê, chất lượng trà Cascara phụ thuộc rất lớn vào quá trình quả cà phê được nuôi trồng, thu hái, chế biến và phơi khô trước đó.
Dù Cascara chỉ chiếm một phần nhỏ trong thị trường cà phê nhưng loại trà này lại phù hợp với xu hướng lớn hơn trên toàn thế giới nói chung. Trà Cascara không chỉ giúp cây cà phê được thưởng thức theo một cách khác đầy sáng tạo, mà còn thân thiện với môi trường. Không còn bị coi chỉ là sản phẩm phụ hoặc chất thải trong quá trình sản xuất cà phê, vỏ và thịt quả cà phê nay được tái sử dụng để sản xuất ra một loại thức uống độc đáo theo cách của riêng mình.
Trà hay cà phê ư? Tôi chọn cả hai.
Mặc dù cùng có nguồn gốc từ cây cà phê, hương vị của trà Cascara lại không hề giống hương vị của hạt cà phê mà chúng ta vẫn biết. Bởi vì đây là đồ uống được pha từ phần vỏ thịt quả sấy khô, nên hương vị có phần nhẹ nhàng giống như trà thảo dược, trà hoa quả. Thông thường, trà Cascara sẽ có vị ngọt tự nhiên như nho khô cùng mùi hương trái cây phong phú và có thể có cả hương hoa. Các yếu tố như giống cây, vùng trồng, cách thu hoạch và chế biến có ảnh hưởng lớn đến hương vị và độ chua của trà Cascara. Cách pha cũng đóng vai trò quan trọng quyết định đến hương vị cuối cùng của loại trà này.
“Chúng ta đã luôn vứt bỏ trái cà phê ngon tuyệt vời này trong một khoảng thời gian dài, và không có một lý do thực sự nào đằng sau việc làm đó cả, bởi chúng có hương vị rất tốt.”
Peter Giuliano, Giám đốc nghiên cứu & Giám đốc điều hành Quỹ Khoa học Cà phê của Hiệp hội Cà phê Specialty Thế giới (SCA)
Trà Cascara có lượng caffeine thấp hơn so với cà phê. Trong bài đăng “Cascara and Caffeine” trên Square Mile Coffee Blog, người đồng sáng lập Anette Moldvaer đã kể về việc gửi Cascara đến một phòng thí nghiệm ở Đức để kiểm tra lượng caffeine chính xác. Và kết quả là dù được ngâm ủ lâu hơn để chiết xuất nhiều hơn, mức độ caffeine trong một tách trà Cascara cũng ít hơn hoặc chỉ bằng khoảng một phần tư so với với cốc cà phê đen. Tương tự hạt cà phê, lượng caffeine trong trà Cascara sẽ không cố định mà có sự khác biệt tùy theo giống cây, vùng trồng, vụ mùa…và tùy theo cách pha khác nhau cũng tạo ra sự thay đổi lớn. Bên cạnh đó, Cascara có chứa chất chống oxy hóa giúp chống lại sự phát triển của bệnh ung thư, bệnh tim mạch, tiểu đường, loãng xương và thoái hóa thần kinh. Ngoài ra, Cascara cũng có lợi cho hệ tiêu hóa, cung cấp độ ẩm làm mịn màng và trẻ hóa làn da.
Tóm lại, Cascara là phần vỏ và thịt quả cà phê được sấy khô và thường được dùng để pha đồ uống như một loại trà hoa quả. Đây vẫn là một loại đồ uống mới lạ trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Nhưng đây chắc chắn là một trải nghiệm thú vị với Cà phê Specialty. Dù pha nóng hay pha lạnh, Cascara vẫn sẽ là một cách thưởng thức mới để khám phá một khía cạnh khác biệt của loài cây mà chúng ta tưởng như đã rất quen thuộc.
Cách pha
Cascara có thể được dùng để pha nóng và uống không như trà hoặc pha cùng cà phê, sữa để thành Cascara Latte. Vì trà Cascara cũng có vị ngọt nên bạn có thể kết hợp cùng một chút đường hoặc mật ong để tăng vị ngọt hơn nữa. Một số người cũng dùng Cascara để làm một loại syrup đơn giản làm nền cho đồ uống khác như soda hoặc cocktail. Hoặc một lựa chọn thú vị hơn là pha cùng gừng, hạt nhục đậu khấu hoặc quế để thưởng thức món đồ uống truyền thống của Ethiopia và Yemen.
Ngoài ra, bạn cũng có thể ngâm ủ lạnh Cascara hoặc dùng cùng đá. Trà Cascara cùng mật ong và một vài giọt nước chanh, sự kết hợp không bao giờ sai cho một ngày hè mát rượi. Và đừng ngần ngại, hãy sáng tạo cùng Cascara để tìm ra công thức “độc quyền” của riêng bạn nha.
Chuẩn bị Nguyên vật liệu:
- Cascara (đương nhiên rùi, hihi).
- Nước nóng nhiệt độ khoảng 85 – 93°C (tùy thời tiết: mùa nóng dùng nhiệt độ thấp hơn, mùa lạnh dùng nhiệt độ cao hơn).
- Ấm pha trà / Bình French press… – Bất cứ dụng cụ gì có lưới lọc để lọc bã trà.
- Đường / Mật ong / Chanh / Cam / Gừng / Quế / Coca / Soda / Lá bạc hà / Lá chanh / Rượu rum / Kem… – Bất cứ thứ gì bạn muốn pha cùng trà hoặc syrup Cascara.
Các bước pha nóng:
- Lấy 10g Cascara.
- Đổ nước nóng ướt mặt trà để tráng rồi đổ đi luôn.
- Rót 150 – 200ml nước nóng. Tỉ lệ Cascara:Nước khoảng từ 1:15 đến 1:20 (bạn có thể điều chỉnh tỉ lệ nước để phù hợp với khẩu vị riêng).
- Ngâm ủ 4 phút.
- Lọc trà & Thưởng thức!
Các bước pha lạnh:
- Lấy 10g Cascara.
- Rót khoảng 100ml nước có nhiệt độ thường. Tỉ lệ Cascara:Nước khoảng 1:10 (bạn có thể điều chỉnh tỉ lệ nước để phù hợp với khẩu vị riêng).
- Ngâm ủ khoảng 24h trong tủ lạnh.
- Lọc trà & Thưởng thức!
Các bước làm Cascara syrup
- Cho 1 cốc nước + 1 chén đường + 20g Cascara vào nồi
- Đun sôi + khuấy tan đường
- Tắt bếp + để lắng bã trà
- Lọc & Sáng tạo!
LƯU Ý
Không có công thức pha chính xác tuyệt đối dành cho tất cả mọi người. Bạn hãy thử pha và điều chỉnh các yếu tố khác nhau (tỉ lệ nước, nhiệt độ nước, thời gian ngâm ủ…) để tìm ra cách pha phù hợp với mình nhất nha.
Về giống cà phê Geisha
Đất nước Panama nổi tiếng với cà phê Geisha – loại cà phê đắt nhất thế giới. Trong khi được bán với giá khoảng 9 đô la /cốc tại Panama, bạn có thể sẽ phải chi tới 18 đô la cho một cốc cà phê kì diệu này khi ở thành phố New York. Tuy nhiên, điều đó vẫn không là gì khi so với mức 68 đô la cho một cốc cà phê Geisha Panama ở đất nước Dubai xa xỉ.
Hương vị hoa quả mượt mà, tinh tế tựa như trà của Geisha Panama khác biệt hoàn toàn so với bất cứ loại cà phê nào mà bạn đã từng thử. Vị ngọt thanh nhã kết hợp cùng vị chua nhẹ nhàng, cân bằng mang đến hương vị trong trẻo, sáng lấp lánh từ các loại quả như berry, cam chanh, xoài, đu đủ, đào, dứa, ổi và hoa nhài. Hậu vị dài và đặc trưng với hương vị vỏ cam hoặc dầu cam bergamot, thường được mô tả là tựa như vị trà Earl Grey!
Sẽ không hề quá khi nói rằng Geisha là một trong những loại cà phê tinh khiết nhất mà bạn có thể mua, và Panama là đất nước sản sinh ra loại cà phê thần kì này. Mặc dù hoạt động sản xuất gặp nhiều khó khăn với những sự thay đổi khí hậu không thể tránh khỏi, cà phê Geisha Panama vẫn nổi bật và luôn dẫn đầu danh sách những loại cà phê cao cấp nhất.
A. Nguồn gốc cà phê Geisha
Geisha là một trong những giống cà phê nguyên bản hoang dã vốn được thu thập từ các khu rừng cà phê ở Ethiopia vào những năm 1930. Chúng được phát hiện ở vùng núi xung quanh khu vực Abyssinia ở thị trấn Tây Nam của vùng Gesha thuộc Ethiopia. Cây Geisha mọc cao và có thể nhận ra dễ dàng bởi những chiếc lá có hình dáng dài và đẹp của chúng. Sau đó, giống cây này được gửi đến trạm nghiên cứu Lyamungu ở Tanzania, và được đưa đến Trung tâm Giáo dục và Nghiên cứu Nông nghiệp Nhiệt đới (CATIE) ở Trung Mỹ vào năm 1953. Tại đây, Geisha được đặt mã là T2722.
Sau khi được công nhận về khả năng chịu được bệnh rỉ sắt lá cà phê, Geisha đã được phân phối khắp Panama thông qua CATIE trong những năm 1960. Tuy nhiên, giống cây này lại có các nhánh rất giòn và không được nông dân ưa chuộng nên vẫn chưa được trồng rộng rãi. Chỉ đến sau khi đạt giải trong cuộc thi cà phê tại Panama và phá vỡ kỷ lục tại thời điểm đó về giá bán đấu giá hạt xanh cà phê thì giống cây này mới trở nên nổi bật và phổ biến.
Geisha là giống cây có sự nhầm lẫn đáng kể vì có nhiều loại thực vật khác biệt về mặt di truyền nhưng cũng được gọi là Geisha. Nhiều loại trong số đó có cùng nguồn gốc địa lý từ Ethiopia. Các phân tích đa dạng di truyền gần đây được tiến hành bởi Tổ chức Nghiên cứu Cà phê Thế giới (World Coffee Research) đã xác nhận rằng Geisha Panama có nguồn gốc từ T2722 là một giống sở hữu các đặc tính di truyền đặc thù và thống nhất. Giống cây này có chất lượng hương vị đặc biệt tốt khi cây được chăm sóc tốt ở độ cao tối ưu. Geisha Panama nổi tiếng với hương hoa quả kết hợp giữa hương hoa nhài và quả đào một cách tinh tế.
B. Sự phát triển của cà phê Geisha tại Panama
Kể từ đầu những năm 2000, từ “Panama” và “Geisha” gần như được sử dụng như các từ đồng nghĩa. Giống này như được “phát hiện một lần nữa” ở Boquete trong trang trại Hacienda La Esmeralda nổi tiếng, thuộc sở hữu của gia đình Peterson. Năm 2004, gia đình Peterson đã chọn và phân loại các quả cà phê Geisha trong trang trại của họ để đem đi tham dự cuộc thi Best of Panama (BOP) nhằm tìm ra những loại cà phê tốt nhất Panama. Họ đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của toàn bộ giới Cà phê Specialty. Rất nhanh sau đó, những lô hạt xanh cà phê Geisha từ Esmeralda đã thu về 140 USD / lb trong những lần đấu giá kín trực tuyến.
Thành công đáng kinh ngạc của Geisha từ Esmeralda đã truyền cảm hứng một cách tự nhiên cho các nhà sản xuất khác để trồng những cây Geisha trong các trang trại mà trước đây chỉ có Caturra và Bourbon. Geisha cũng đã lan rộng từ Panama sang các quốc gia sản xuất khác với niềm hy vọng vào cái tên và hương vị hoa tinh tế tựa trà của loại cà phê này.
C. 7 đặc điểm của giống Geisha Panama
- Hình dạng cây: Cao
- Màu đầu lá: Xanh lá cây hoặc Đồng
- Kích thước hạt: Trung bình
- Độ cao tối ưu:
- 5° Vĩ độ Bắc – 5° Vĩ độ Nam: >1600m
- 5 – 15° Vĩ độ Bắc & 5 – 15° Vĩ độ Nam: >1300m
- > 15° Vĩ độ Bắc & > 15° Vĩ độ Nam: >1000m
- Sản lượng tiềm năng: trung bình
- Hương vị đặc trưng: hương hoa quả nhẹ nhàng tinh tế, mượt mà với vị chua và đắng thấp (hoa nhài, hoa kim ngân, đào, cam bergamot…)
Tìm hiểu thêm về những lý do để thử loại cà phê lừng danh này tại link sau nha: CÀ PHÊ GEISHA PANAMA – LOẠI CÀ PHÊ ĐẮT NHẤT THẾ GIỚI
Về nông trại Hartmann
Nông trại Hartmann thuộc sở hữu của gia đình Hartmann và đã trải qua 3 thế hệ. Thế hệ đầu tiên là ông Alois St. Hartmann (Luis Hartmann) sinh ra ở Tiệp Khắc năm 1891. Ông bị bỏ rơi từ khi còn là một thiếu niên vào thời điểm Chiến tranh Thế giới thứ nhất bắt đầu. Ông trốn thoát bằng cách trốn lên một con tàu để đến Hoa Kỳ, bang Pennsylvania. Đến năm 1911, ông đến Panama và quyết định định cư ở Chiriquí – nơi ông đã xây dựng một ngôi nhà và bắt đầu trồng cà phê vào năm 1912.
Alois St. Hartmann kết hôn với Susana – một người Panama lai Đức và sinh ra Ratibor Hartmann Troetsch vào năm 1920. Ratibor cùng 9 người em ra đời sau đó là thế hệ thứ hai của gia đình Hartmann tiếp nối việc quản lý và phát triển nông trại. Năm 1966, Ratibor kết hôn với Dinorah Sandí từ Costa Rica. Họ cùng nhau nuôi nấng 5 người con: Ratibor Jr., Allan, Alexander, Alissa và Kelly.
Sau khi Ratibor Hartmann Troetsch mất vào năm 2016, thế hệ thứ ba của gia đình Hartmann, do Ratibor Jr. Hartmann đại diện tiếp tục quản lý di sản này đến ngày nay. Mỗi anh chị em đều nhiệt tình tham gia phản lý và phụ trách một công việc khác nhau góp phần vào sự tăng trưởng về cả sản xuất và du lịch của nông trại. Cà phê đối với họ không chỉ là công việc mà còn là tình yêu, là lối sống, là văn hóa, là gia đình.
“Kể từ khi bố mẹ tôi bắt đầu gây dựng nông trại, họ đã làm việc trên mảnh đất này với rất nhiều tình yêu và sự tôn trọng. Chúng tôi đang đi theo những bước chân của họ, chúng tôi yêu trang trại này, chúng tôi yêu những gì chúng tôi làm, bất chấp những khó khăn có thể gặp phải trong thị trường, và chúng tôi dự định sẽ truyền niềm đam mê này cho con cái của chúng tôi.” – Alissa Hartmann
“Cha tôi luôn kết nối việc sản xuất cà phê với bảo vệ môi trường.” – Ratibor Hartmann
Nông trại Hartmann nằm ở tiểu vùng Santa Clara, quận Renacimiento, tỉnh Chiriquí với gần 100ha rừng được bảo tồn giáp ranh với rừng quốc gia La Amistad, gần biên giới Costa Rica. Với độ cao 1400 – 2000m trên mực nước biển, nông trại Hartmann không cao như một số nông trại trồng cà phê khác trong khu vực. Tuy nhiên, nơi đây lại có tiểu vùng khí hậu lý tưởng để sản xuất hạt cà phê Arabica chất lượng cao với nhiệt độ ôn hòa quanh năm. Không chỉ có vậy, hạt cà phê còn được trồng với thổ nhưỡng giàu chất dinh dưỡng của khu vực núi lửa. Gia đình Hartmann tự hào về những cây cà phê được trồng dưới bóng cây rừng nhiệt đới bản địa đã có ở đó nhiều năm. Họ cố gắng không chặt cây mà trồng lại cây bản địa và cây chuối để duy trì hệ sinh thái, bảo vệ sức khỏe động vật, chim chóc và chất dinh dưỡng trong đất.
Về vùng Chiriquí
Chiriquí là một tỉnh nằm ở phía Tây Panama. Cái tên “Chiriquí” nghĩa là “Thung lũng mặt trăng” trong ngôn ngữ của người dân bản địa sinh sống nơi đây thời kỳ tiền Colombo (thời kỳ trước khi Cristoforo Colombo đặt chân đến châu Mỹ vào năm 1492, hay còn được hiểu là các giai đoạn lịch sử và tiền sử của châu Mỹ trước khi chịu ảnh hưởng đáng kể của châu u). Chiriquí nằm giáp với biển Thái Bình Dương, chỉ cách biển Caribbean 3 tiếng đường bộ và sát cạnh biên giới với Costa Rica, cách thành phố Panama và kênh đào Panama 7 giờ lái xe. Chiriqui là một trong những tỉnh năng suất nhất Panama nhờ khí hậu và đất đai màu mỡ. Các hoạt động chăn nuôi gia súc, nuôi ngựa, trồng hoa, câu cá hồi, trồng chuối và sản xuất rau và cà phê lâu đời đều diễn ra ở Chiriqui. Đó là tại sao khu vực này được coi là một trong những trụ cột của Panama.
Cà phê Geisha từ Chiriquí đã ghi dấu Panama lên bản đồ Cà phê Specialty thế giới khi được miêu tả bởi Hiệp hội Cà phê Specialty Hoa Kỳ (SCAA) là có “hương hoa bùng nổ mạnh mẽ”. Điều này dường như đặc biệt phù hợp với vùng cao nguyên Chiriqui khi khu vực này vẫn được nhắc đến như là “Thung lũng của Các loài hoa và Mùa xuân Vĩnh cửu”.
Là một phần thuộc dãy núi Talamanca, Chiriquí có sự đa dạng sinh học đáng kinh ngạc, nơi độ ẩm, thổ nhưỡng và độ cao tạo ra tiểu vùng khí hậu lý tưởng để cà phê phát triển mạnh. Đây là nơi có ngọn núi lửa đang hoạt động lớn nhất ở Trung Mỹ – Volcán Barú. Đây cũng là điểm cao nhất ở Panama và bạn có thể leo lên đỉnh này với sự trợ giúp của hướng dẫn viên. Từ đỉnh núi lửa, vào một ngày trời quang, bạn có thể nhìn thấy cả Đại Tây Dương và Thái Bình Dương cùng một lúc.
Về đất nước Panama
- Diện tích: 75,420 km²
- Thủ đô: Thành phố Panama
- Dân số: 3,705,246 người (tính đến 07/2016)
- Ngôn ngữ sử dụng: Tiếng Tây Ban Nha (chính thức), các ngôn ngữ bản địa khác nhau, tiếng Anh Creole của người Panama (còn gọi là Guari Guari)
Hoạt động sản xuất cà phê tại Panama
- Kích thước trung bình của nông trại: < 1 – 10 ha
- Số lượng bao cà phê xuất khẩu hàng năm: 50,000 – 100,000 bao
Cà phê Panama
- Vùng trồng: Boquete, Renacimiento, Volcán
- Các giống phổ biến: Catuai, Caturra, Geisha, Mundo Novo
- Phương pháp chế biến: Ướt, Khô (Tự nhiên)
- Cỡ túi cà phê: 60kg
- Thời gian thu hoạch: Tháng 11 – Tháng 03
Lịch sử Cà phê Panama
Cà phê Panama ra đời cùng với sự xuất hiện của những người nhập cư châu Âu trong thế kỷ 19, khoảng 50 năm sau khi đất nước này giành được độc lập từ Tây Ban Nha. Là một sản phẩm nông nghiệp, cà phê không đạt được chỗ đứng thực sự tại Panama cho đến khoảng 20 năm trở lại đây. Ở Panama hiện nay, cà phê chủ yếu được sản xuất bởi các nông hộ nhỏ từ hai nhóm người bản địa chính – người Bugle và Ngobe. Ngoài ra, cà phê Panama cũng đươc sản xuất trong các khu vực quy mô lớn và trung bình thuộc sở hữu tư nhân, thường là của người nhập cư Châu Âu hoặc Bắc Mỹ hoặc thế hệ con cháu của họ.
Các vùng trồng cà phê là các khu vực với sự kết hợp của vi khí hậu, chất lượng thổ nhưỡng khác biệt (chẳng hạn như có một chút đất núi lửa ở vùng Volcán) và độ cao (từ 1000 – 1650m). Ngoài ra, các khu vực này cũng có xu hướng sở hữu nguồn nước ngọt dồi dào để chế biến cà phê.
Đất nước Panama vốn từ lâu đã rất hấp dẫn đối với những người châu Âu và Bắc Mỹ tìm kiếm cuộc sống bình dị ở một nước Mỹ Latinh nhiệt đới, xinh đẹp và tương đối ổn định. Thêm vào đó, nhu cầu cao về bất động sản, luật lao động và chính sách lương tương đối bảo vệ của quốc gia này, kết hợp với ảnh hưởng lớn từ các quốc gia thuộc Bắc bán cầu đã khiến cho cà phê Panama trở thành một trong số những loại cà phê đắt đỏ để sản xuất cũng như để mua. Ngoài ra, trên quy mô sản xuất cà phê toàn cầu, Cà phê Panama đóng góp một lượng gần như là rất nhỏ, và sản lượng thì đã liên tục giảm trong vài năm qua.
Tuy nhiên, hương vị nhẹ nhàng cùng sự dễ chịu từ vị ngọt và vị bùi của các loại hạt của cà phê đến từ Panama vẫn dễ dàng khiến người ta yêu mến. Hương vị này như một sự đối lập với vị chua mạnh mẽ và có phần gắt hơn của những loại cà phê khác đến từ Trung Mỹ.
Loại cà phê Panama hiếm có, đắt tiền và được săn đón nhiều nhất là Geisha. Từng được gọi là Esmeralda Boquete Geisha, loại cà phê này được trồng ở sườn núi lửa Barú gần Boquete ở Panama. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi Boquete được coi là “Bordeaux của cà phê” (Bordeaux là một thành phố cảng quan trọng của Pháp và được xem như là thủ phủ của rượu vang thế giới). Thổ nhưỡng đặc biệt ở Boquete vô cùng màu mỡ bởi tro núi lửa. Kết hợp với khí hậu núi cao mát mẻ, khu vực này trở thành thánh địa hoàn hảo cho việc trồng cà phê.
Nếu có cơ hội ghé thăm các nông trại cà phê tuyệt vời của Boquete, hãy chắc chắn rằng bạn không bỏ qua các nông trại đáng kinh ngạc nhất bao gồm Finca La Valentina, Don Pachi Estate, và Hacienda La Esmeralda. Ngoài ra, danh sách các nông trại nên tham quan cũng bao gồm Finca Lerida, Finca Dos Jefes, Kotowa Estates và Café Ruiz.
Mỗi trang trại cà phê đều có tour du lịch độc đáo riêng bao gồm các trải nghiệm nếm thử và thực hành tận tay. Một số tour du lịch kéo dài vài giờ. Một số tour khác thì có những quy định cực kỳ nghiêm ngặt về cà phê. Sự nghiêm ngặt này thể hiện ở quy định yêu cầu những người tham gia không có bất kỳ mùi hương nào như mùi nước hoa, kem dưỡng thể hoặc thậm chí là kem chống nắng. Điều này nhằm đảm bảo cà phê không bị ám bất kì mùi lạ nào có thể gây ảnh hưởng đến hương vị tinh tế, đa dạng của cà phê.
Nếu bạn là người mới tham gia vào thế giới Cà phê Specialty,
những bài viết sau sẽ giúp ích cho bạn ^^
Xem thêm
Đánh giá
Hiện chưa có Review cho sản phẩm