HÀNH TRÌNH TÌM VỀ CỘI NGUỒN CỦA GIỐNG CÀ PHÊ NỔI TIẾNG BẬC NHẤT THẾ GIỚI
Gesha – giống cà phê đã trở thành một hiện tượng trên toàn thế giới khi liên tục phá vỡ kỷ lục đấu giá cà phê nhân xanh. Được ví với rượu vang hảo hạng, cà phê Gesha sở hữu vẻ đẹp hương vị tinh tế của các loại trái cây, các loài hoa thơm hòa quyện trong sự cân bằng tuyệt đẹp. Hiếm có, độc đáo và được bán với giá rất cao, cái tên Gesha thường gắn liền với Panama – đất nước nơi cà phê Gesha lần đầu tiên đạt giải thưởng trong cuộc thi cà phê và bắt đầu được thế giới biết đến. Tuy nhiên, quê hương của giống cà phê hấp dẫn này lại nằm ở Ethiopia, nơi khu rừng nguyên sinh hàng trăm năm tuổi vùng Bench Maji. Với phương pháp sơ chế khô truyền thống lâu đời, cà phê Gesha nơi “quê cha đất tổ” Bench Maji thấm đẫm hương vị cội nguồn – hương vị của những cánh rừng già hoang sơ đầy bí ẩn.
Trong tách cà phê của bạn có gì?
Rich Fruity Flavors (Hương vị hoa quả phong phú, sống động), Mild Floral (hương Hoa) , Grapefruits (Vị chua dịu của Bưởi), là những gì bạn cảm nhận được trong tách Cà phê Ethiopia Bench Maji Gesha sơ chế Khô G1 được rang ở mức độ Rang sáng.
Dưới đây là thông số của Cà phê Ethiopia Bench Maji Gesha sơ chế Khô G1:
- Quốc gia: Ethiopia
- Vùng trồng: Bench Maji, Vùng các dân tộc Phương Nam, phía tây nam Ethiopia
- Giống: Gesha
- Phương pháp sơ chế: Sơ chế Khô (Natural)
- Phân loại: G1
- Độ cao: 1700m
VỀ GIỐNG CÀ PHÊ GESHA
Được ví với rượu vang hảo hạng, cà phê Gesha sở hữu vẻ đẹp hương vị tinh tế của các loại trái cây, các loài hoa thơm hòa quyện trong sự cân bằng hoàn hảo. Cây Gesha phát triển cao và sở hữu những chiếc lá thuôn dài, tán đẹp.
Hiếm có, độc đáo và được bán với giá rất cao, cái tên Gesha thường gợi liên tưởng tới cà phê Panama trong khi thực tế việc trồng giống cà phê này tại Panama chỉ mới bắt đầu từ những năm 1960. Gesha vốn là một giống cà phê được phát hiện vào những năm 1930 ở vùng núi xung quanh thị trấn Gesha nằm phía tây nam Ethiopia.
Năm 2004, sau khi chiến thắng cuộc thi cà phê tại Panama, cà phê Gesha được biết đến và dần trở nên nổi tiếng khi phá vỡ kỷ lục về đấu giá cà phê nhân xanh. Đất nước Panama đã góp phần không nhỏ trong việc đem cái tên Gesha đến với toàn thế giới, mở ra một làn sóng săn lùng và tìm hiểu nguồn gốc giống hạt quyến rũ này. Và cuộc hành trình tìm về quê hương của Gesha đã chỉ lối đến cánh rừng hoang sơ Bench Maji phía tây nam của Ethiopia. Khu rừng rậm nguyên sinh lâu đời này là nhà của nhiều giống cà phê mọc dại và phát triển tự nhiên đầy hoang dã.
VỀ KHU VỰC BENCH MAJI
Truyền thuyết kể rằng vùng Kaffa ở phía tây Ethiopia là nơi Mẹ thiên nhiên đã ban tặng cho chúng ta hạt cà phê màu nhiệm. Nằm phía Nam của vùng đất khai sinh này là Khu vực Bench Maji – quê hương của giống cà phê Gesha hấp dẫn và nổi tiếng bậc nhất đã phát triển để trở thành một hiện tượng trên toàn thế giới.
Bench Maji là một trong số ít các khu vực ở Ethiopia vẫn còn giữ nguyên được những khu rừng cổ hoang sơ tự nhiên của mình, trong khi rừng của các khu vực còn lại bị tàn phá bởi nhiều lý do khác nhau.
Vào cuối thế kỷ XIX, khoảng 30% diện tích Ethiopia vẫn còn được bao phủ bởi rừng rậm. Tuy nhiên, việc khai khẩn đất đai để sử dụng trong nông nghiệp và chặt cây để sản xuất nhiên liệu đã dần dần thay đổi khung cảnh nơi đây. Diện tích rừng bị thu hẹp nhanh chóng trong vài năm và chỉ còn lại chưa đầy 10% tổng diện tích đất nước. May mắn là khoảng 45.000km² rừng rậm tự nhiên vẫn tồn tại chủ yếu ở phần phía nam và tây nam của vùng cao nguyên. Trong đó bao gồm khu vực rừng rậm nguyên sinh cổ Bench Maji. Và những người dân Ethiopia trân quý hạt cà phê như báu vật gia truyền giờ đây thấu hiểu hơn ai hết giá trị của những cánh rừng như vậy. Ngày nay, người Ethiopia đã và đang nỗ lực rất nhiều để tái tạo lại những khu rừng quý giá, đặc biệt là khu vực phía bắc của các vùng cao nguyên – nơi đã từng gần như không còn cây cối. Phong trào trồng rừng đã diễn ra mạnh mẽ trên khắp đất nước để có thể tái tạo lại càng nhiều càng tốt những khu rừng như rừng Bench Maji. Người dân Ethiopia đã cùng nhau phá kỉ lục thế giới khi trồng lại 350 triệu cây trong một ngày.
Khu vực Bench Maji nằm ở phía tây nam Ethiopia, nơi hiếm hoi vẫn còn những khu rừng tự nhiên có thể lên tới hàng trăm năm tuổi. Và bên trong khu rừng già bí ẩn đó ẩn giấu những cây cà phê bản địa hoang dã lâu đời nhất của vùng đất khai sinh ra hạt cà phê kì diệu. Cánh rừng hoang sơ của Bench Maji như vòng tay che chở của mẹ thiên nhiên để những đứa con cà phê có thể mặc sức phát triển thoải mái nhất. Và một trong những đứa con cà phê của khu rừng nguyên sinh phía tây nam Ethiopia này là Gesha. Phải chăng chính nhờ sự bảo vệ của cánh rừng hoang sơ lâu đời Bench Maji đã tạo điều kiện tốt nhất để giống cà phê này xuất hiện và mang trong mình những phẩm chất đẹp đến vậy.
Là một trong mười bốn khu vực thuộc Vùng các dân tộc Phương Nam (Southern Nations, Nationalities and Peoples’ Region), Bench Maji là nơi sinh sống của các nhóm dân tộc như Bench, Me’en và Amhara. Trong đó, Bench là nhóm dân tộc lớn nhất và gần như đại diện cho 50% dân số toàn bộ khu vực.
Sản xuất cà phê là một tập quán và truyền thống lâu đời tại Bench Maji. Cà phê cũng là hàng hóa nông sản chủ lực của người dân nơi đây. Cà phê mọc hoang dã cả ở trong những khu vực sâu nhất trong rừng rậm Bench Maji, phát triển 100% tự nhiên mà không có bất kì sự tác động nào của con người. Người nông dân từng chỉ đi vào khu vực này để thu hái quả chín trong mùa vụ, và phải dùng thang để thu hoạch cây cà phê dại mọc cao. Sản lượng cà phê từ những cây này rất thấp nên người nông dân phải mất rất nhiều thời gian để băng qua hết cánh rừng hoang vu bạt ngàn mới có thể thu hái được sản lượng cao hơn.
Ngày nay, cà phê trong rừng Bench Maji thuộc sở hữu bởi nhiều nông hộ nhỏ thuộc các hợp tác xã. Các hợp tác xã này đã kết hợp thành một liên minh với tên gọi Liên minh Hợp tác xã Nông dân Cà phê Bench Maji (Bench Maji Coffee Farmers Ltd. Cooperative Union – BMCFU). Đây là một Liên minh lớn với 65 Hợp tác xã chính của 130.000 hộ nông dân nhỏ. Các nông hộ thành viên sản xuất cà phê được trồng 100% hữu cơ bên trong khu rừng tự nhiên Bench Maji. Sản phẩm cà phê từ BMCFU đạt nhiều chứng nhận quốc tế như ORGANIC (Hữu cơ), FAIRTRADE (Thương mại công bằng), RAINFOREST ALLIANCE và UTZ (Nông nghiệp bền vững), C.A.F.E PRACTICES (Thông lệ C.A.F.E)… Được phát triển và che mát bởi bóng cây rừng Bench Maji, cà phê nơi đây mang những đặc tính đa dạng và thích nghi rất tốt với môi trường tự nhiên.
Với diện tích rừng tự nhiên ít ỏi còn sót lại tại Ethiopia, việc nhâm nhi hương vị cà phê từ khu rừng rậm nguyên sinh lâu đời Bench Maji này quả thực là điều không đơn giản. Những hạt cà phê hoang dã Bench Maji từng chỉ được biết đến và thưởng thức bởi những người dân bản địa nơi đây trong nhiều thế kỉ. Và thật may mắn khi giờ đây chúng ta cũng có cơ hội để có được những trải nghiệm hiếm có như vậy.
VỀ CÀ PHÊ ETHIOPIA
Cà phê từ Ethiopia là loại cà phê mà bất cứ người yêu cà phê nào cũng nên thử. Tùy vào cách sơ chế, vùng trồng khác nhau, cà phê nơi đây có những vị ngọt ngào của quả mọng hay vị chua sáng bừng của các loại trái cây, cùng những hương hoa dễ chịu.
Người phụ nữ Ethiopia đang pha cà phê
Có rất nhiều lý do để bạn trở nên yêu cà phê đến từ Châu Phi, đặc biệt là cà phê từ Ethiopia. Bởi cà phê nơi đây ngoài có những hương vị tuyệt vời, nó còn gắn liền với rất nhiều câu chuyện thú vị, từ câu chuyện về chàng trai Kaldi và bầy dê tăng động vì ăn quả cà phê, cho đến những tâm huyết nỗ lực của người nông dân Ethiopia, trong việc làm nên những hạt cà phê bất hủ.
VỀ PHƯƠNG PHÁP SƠ CHẾ KHÔ TRUYỀN THỐNG
Phương pháp sơ chế khô vốn là phương pháp truyền thống có tuổi đời lâu nhất trong các phương pháp sơ chế cà phê từng được áp dụng. Với cách sơ chế này, cà phê sẽ được để nguyên quả và phơi khô dưới ánh nắng mặt trời, thay vì được lên men để loại bỏ phần thịt quả trước khi phơi như các phương pháp khác. Chính vì để nguyên quả cà phê như vậy nên nếu không biết cách kiểm soát thì cà phê sẽ rất dễ mắc lỗi sơ chế và bị hỏng. Do đó ở thời kì đầu, cà phê sơ chế khô thường có thành phẩm không được đánh giá cao khi so với phương pháp sơ chế khác. Và với độ khó và phức tạp cao trong quá trình thực hiện như vậy, dần dần cũng ít người dân lựa chọn cách sơ chế này. Đa số nông hộ sản xuất cà phê ở Kochere chuyển dần sang phương pháp sơ chế ướt – phương pháp an toàn và có thể tạo ra độ đồng đều hương vị dễ dàng hơn.

Hệ thống dàn phơi cà phê ở quận Kochere
Tuy nhiên vào những năm gần đây, cách sơ chế khô đã được người làm cà phê Ethiopia tin tưởng trở lại, đặc biệt là sau khi được tiếp cận với những kiến thức cà phê mới từ những tổ chức cà phê đầu ngành như Hiệp hội Cà phê Đặc sản Thế giới (SCA), African Fine Coffee Association, Coffee quality institute (CQI)…

Với phương pháp sơ chế khô, cà phê được giữ nguyên quả và phơi trên giàn phơi. Giàn phơi này được thiết kế đặc biệt nhằm đảm bảo sự lưu thông không khí. Cà phê cũng được lật một cách thường xuyên để ngăn ngừa những rủi ro trong quá trình làm khô. Quá trình sơ chế khô giúp đường và các hợp chất trong thịt quả cà phê thấm vào hạt cà phê nhân. Từ đó mà mang đến cho hạt cà phê nhân nhiều hương vị hơn. So với cà phê chế biến ướt thì cà phê chế biến khô mất công sức hơn, nhưng bù lại bạn sẽ được trải nghiệm nhiều tầng hương vị của cà phê, độ dày (body) và độ ngọt vượt trội.

Giờ đây người làm cà phê Ethiopia không còn quá sợ hãi với cách làm cà phê sơ chế khô nữa. Và với cách làm này, cà phê sẽ có hương vị đa dạng và phức tạp hơn hẳn.

Nếu bạn là người mới tham gia vào thế giới Cà phê Specialty,
những bài viết sau sẽ giúp ích cho bạn ^^
Đánh giá