Định nghĩa dễ hiểu

“Nó là một tờ giấy, nhưng thay cho việc để viết, để in, để gói xôi, tờ giấy này được dùng để pha cà phê. Cụ thể thì nó sẽ giữ lại bột cà phê, chỉ để cho phần nước cốt cà phê thanh dịu chảy vào cốc của bạn mà thôi”

câu chuyện nguồn gốc

“…Bà Melitta vì muốn cà phê ngon hơn, nên đã xé vở bài tập của con trai để lọc cà phê…”

Melitta Bentz, 1873 – 1950

Chuyện là thế này….

Vào những năm cuối thế kỷ 19 ở Đức, cách pha cà phê bằng nồi đun là cách được rất nhiều gia đình lựa chọn. Với cách này, người ta sẽ cho cà phê bột vào nồi nước đun sôi, sau đó chắt ra để uống. Vâng, là chắt như kiểu chắt nước của mì xào Omachi ấy, chắt kiểu nào cũng không hết được bột cà phê trong cốc. Bạn cứ tưởng tượng cốc cà phê mà bạn uống nó giống như bị lẫn bùn bên trong ấy vậy, lợn cợn lợn cợn như kiểu uống bột sắn pha sống, nhưng thay vì ngọt ngọt thì nó đắng như tam thất!

Và Melitta Bentz cũng có cảm xúc giống với bạn! Không những thế, bà ấy còn phải rửa cái nồi cà phê dính đầy cặn nữa cơ! Y như một cực hình vậy !

Chính vì thế, mỗi buổi sáng trong căn bếp ở Dresden, Đức, bà luôn suy tư về 1 phương pháp pha cà phê tốt hơn. Và sau nhiều thất bại, một ngày bà đã tìm ra 1 cách vô cùng độc đáo đó là:

DÙNG GIẤY ĐỂ LỌC VÀ CHỨA BÃ CÀ PHÊ !

Các dạng giấy lọc đang được sử dụng nhiều nhất hiện nay. Từ trái qua, trên xuống thứ tự là: Giấy Kalita hoa, Giấy V60, Giấy Aeropress, Giấy Melitta

Bà đã tận dụng ngay những quyển vở của con trai để làm việc này. Bà đặt những tờ giấy đó lên chiếc nồi pha cà phê được đục vài lỗ dưới đáy. Sau khi xong xuôi, bà mới nhẹ nhàng đổ phần bột cà phê lên trên mặt giấy và  dùng nước nóng đổ qua. Phần nước cà phê sẽ được hứng ở bên dưới với 1 chiếc cốc lớn, còn phần bã sẽ được giữ lại trên mặt giấy.

Rồi sau đó khi nước chảy hết, bà chỉ cần gói ghém tờ giấy cùng bã cà phê bên trong vào thùng rác.

“Oh Mein Gott ! “

Bà đã phải thốt lên như thế, khi uống ngụm cà phê đầu tiên. Đó thực sự là 1 ly cà phê sạch nhất mà bà từng uống. Ít đắng và vô cùng mượt mà. Gần như không còn bất kỳ cảm giác lợn cợn của bột cà phê trong miệng.

Đây chính là điều kỳ diệu mà GIẤY LỌC mang lại cho cà phê. Nó sẽ giữ lại phần lớn bột cà phê cùng các lớp dầu, tạo cho cà phê cảm giác thanh thoát và tinh tế như trà, nhưng có nhiều hương vị hơn.

Rồi vài năm sau, bà cũng làm ra 1 loại PHỄU để thay thế chiếc nồi đồng đục lỗ năm nào. Và với chiếc phễu mang tên mình, bà cùng chồng đã lập nên công ty rất nổi tiếng trong lĩnh vực dụng cụ pha cà phê – Melitta Company.

Sản phẩm phễu pha cà phê cùng giấy lọc đầu tiên của công ty Melitta

Đó là 1 câu chuyện làm động lực cho rất nhiều phụ nữ thời kỳ ấy, thời kỳ mà những cuộc đấu tranh bình quyền nam nữ đang vô cùng mạnh mẽ. Melitta thực sự đã làm được những điều không tưởng, những điều đáng để ngưỡng mộ !

(Các bạn có thể search trên Google, công ty ấy vẫn còn nổi tiếng đến ngày nay đó)

Bạn có thể xem thêm video về bà Melitta Bentz ở đây

Câu Hỏi Thường Gặp

Q: Giấy này có tác dụng gì?

A: Giữ lại lớp dầu và bột mịn trong bột cà phê. Giúp cho cốc cà phê của bạn thanh như trà.

Q: Hương vị cà phê ra khác gì bình thường?

A: Cà phê có vị thanh hơn, dịu hơn.

Q: Giấy này với giấy viết bình thường có khác nhau gì không?

A: Kích cỡ lỗ hổng trên giấy lọc cà phê sẽ bé hơn, tầm 20 micron.

Q: Giấy nâu với giấy trắng khác gì nhau?

A: Một giấy được tẩy trắng, một giấy thì không.

Q: Giấy tẩy và không tẩy có ảnh hưởng đến hương vị cà phê nhiều không?

A: Không ảnh hưởng nhiều lắm. Hoặc có thì cũng ít. Chủ yếu là nhìn giấy trắng cảm giác thoải mái hơn thôi.

Q: Có thể dùng giấy ăn để lọc cà phê không?

A: Không, bởi giấy ăn được ra đời để hút nước chứ không phải cho nước đi qua. Nó sẽ tạo ra một đống hỗn độn đó!

Q: Giấy này có dùng lại được không?

A: Có thể, nhưng hương vị cốc cà phê lần sau thì không biết ra sao. Bởi các chất nó vẫn có thể ngấm trong giấy lọc mà.

Một vài Fact hay về Giấy lọc cà phê

  1. Công ty Melitta bắt đầu với 2 nhân viên chính là chồng và con của mình.
  2. Năm 1909, chỉ một năm sau khi mở công ty của mình, Melitta đã bán được 1200 bộ dụng cụ tại một hội chợ sản phẩm.
  3. Năm 1910, bà nhanh chóng bỏ túi các giải thưởng khác nhau, trong đó có giải vàng trong Hội chợ y khoa quốc tế (?).
  4. Melitta Bentz mất năm 1950. Các con và cháu bà tiếp tục điều hành công ty. Hiện nay Melitta Group có tới 50 công ty con và hơn 3000 nhân viên.