Trong tách cà phê của bạn có gì?
Không chỉ là một ly cà phê, Tanzania Kilimanjaro chứa trọn vị béo ngậy của các loại hạt rang. Tròn trịa và cân bằng với một shot Espresso. Còn khi pha Latte thì êm mượt như lụa, nhẹ nhàng thư thái khó tả. Bởi thế mà chỉ thun thút vài ngụm là sạch bay cốc cà. Đây chính là món tủ thích hợp cho các tín đồ cà phê thưởng thức trong tiết trời đầu đông này.
Nutty (Vị béo ngậy của các loại hạt) Fruits (Hương vị trái cây) Tomato (Hương cà chua) Balance (Cân bằng)
Dưới đây là thông số của cà phê Tanzania Kilimanjaro:
- Vùng trồng: Kilimanjaro, Tanzania
- Độ cao: 1500m
- Phân loại: AA
- Chế biến: Washed (Ướt)
- Hương vị cảm nhận: Nutty (Vị béo ngậy của các loại hạt) Fruits (Hương vị trái cây) Tomato (Hương cà chua) Balance (Cân bằng)
Mức rang và gợi ý cách pha chế
Chúng tôi đã nghiên cứu và lựa chọn mức rang Medium (Vừa) để tạo nên một cốc cà phê bật lên độ mượt mà, béo ngậy của các loại hạt. Cùng với đó là vị chua thanh, ngọt dịu của cà chua. Các tầng hương trái cây cũng rõ rệt và phức tạp hơn khi cà phê được rang ở mức này. Ngoài ra, độ rang Vừa giúp tách cà có thể chất (body) dày dặn hơn, đưa trải nghiệm của bạn lên mức tròn trịa, vẹn nguyên.
Với mức rang này, cà phê Tanzania Kilimanjaro phù hợp nhất để pha Espresso, Latte hay Americano.
Với 1 shot Espresso nhỏ, bạn ngay lập tức cảm nhận được chút ngậy ngậy béo béo từ các loại hạt. Không hề đắng tẹo nào. Còn pha Latte thì mượt mà khó tả, ngọt ngào trào cảm xúc sau từng ngụm.
Về Kilimanjaro – nóc nhà châu Phi và vùng trồng cà phê Arabica lâu đời nhất tại Tanzania
Nằm ở phía Đông Tanzania, núi Kilimanjaro là ngọn núi cao nhất châu Phi với độ cao khoảng 5.895 mét (19.340 feet). Đây là ngọn núi đứng riêng lẻ lớn nhất thế giới, hiểu đơn giản Kilimanjaro không thuộc một dãy núi nào cả.
Núi Kilimanjaro – nóc nhà của “lục địa đen
Núi Kilimanjaro tiền thân là ba ngọn núi lửa khổng lồ, từ thấp đến cao là Shira, Mawenzi và Kibo. Trong khi Shira và Mawenzi đã ngừng hoạt động thì Kibo vẫn có khả năng phun trào trở lại. Đỉnh cao nhất của Kibo là Uhuru, theo tiếng Swahili có nghĩa là “tự do”.
Ngoài ra, Kilimanjaro được nhận định là nơi có cảnh quan phức tạp bậc nhất thế giới. Nằm trọn trong lãnh thổ của Tanzania và chỉ cách đường xích đạo 205 dặm, đỉnh Uhuru của Kilimanjaro có băng tuyết phủ trắng quanh năm. Nơi đây có cả bốn vùng khí hậu chính và năm vùng sinh thái, bao gồm vùng đất hoang, rừng nhiệt đới, vùng đất hoang, sa mạc núi cao và vùng Bắc Cực.
Cảnh quan sinh thái phức tạp của Kilimanjaro
Tuy nhiên, nguồn gốc của cái tên “Kilimanjaro” là một điều bí ẩn mà khó có thể xác định một cách chắc chắn. Có nhiều giả thiết thú vị về sự ra đời của cái tên Kilimanjaro. Để tìm ra chính xác ai là người đặt tên cho Kilimanjaro quả không hề đơn giản chút nào. Theo những người bản địa, “Kilimanjaro” có nghĩa là “Núi Trắng” hay “Núi Sáng ngời”. Cái tên này là sự kết hợp giữa từ “Kilima” (nghĩa là “núi”) trong tiếng Swahili và từ “Njaro” (nghĩa là “màu trắng”) trong tiếng Chagga. Cụ thể, Swahili là quốc ngữ của Tanzania và Chagga là ngôn ngữ của người dân tộc Chagga, tộc người châu Phi bản địa lớn thứ ba tại quốc gia này.
Tại vùng Kilimanjaro, cà phê trồng nhiều rất nhiều bởi một số lý do. Nơi đây có điều kiện khí hậu và địa lý lý tưởng cho việc trồng và sản xuất cà phê: từ thổ nhưỡng núi lửa màu mỡ cùng lượng mưa vừa phải và khí hậu ôn hòa, cho đến sự tiếp cận dễ dàng với số lượng lớn các con sông, suối và nhiệt độ ổn định giữa ngày – đêm cũng như mùa hè – mùa đông. Tận dụng tốt điều đó nên người Chagga đã sử dụng thành công các hệ thống tưới tiêu, bón phân và các phương pháp nông nghiệp khác vào việc trồng cà phê trong hơn một nghìn năm.
Những nông trại nhỏ của người Chagga còn được gọi là shambas với những bụi chuối được trồng xen kẽ với cây cà phê. Chính điều này đã mang lại hương vị thơm ngon đặc trưng cho hạt cà phê nơi đây. Không có vị chua như người bạn láng giềng Kenya. Cà phê Tanzania mang hương vị cân bằng hơn. Chua sáng thanh thoát cùng vị ngọt tinh tế. Mềm mại, mượt mà với body tốt. Những hương vị mạnh mẽ, trong trẻo này hòa quyện và mang đến danh tiếng là một trong những nơi có cà phê ngon nhất Châu Phi cho Tanzania.
Người Chagga trồng cà phê bên cạnh những cây chuối
Cà phê Kilimanjaro chủ yếu được giao dịch bởi Liên hiệp Hợp tác xã Người Kilimanjaro Bản địa (The Kilimanjaro Native Co-Operative Union – KNCU). Đây là hợp tác xã lâu đời nhất ở Châu Phi và cà phê là cây trồng quan trọng nhất đối với họ. Họ trồng cà phê trên thổ nhưỡng núi lửa màu mỡ của ngọn núi Kilimanjaro khổng lồ và sản xuất ra những lô cà phê với hương vị đầy tinh tế. Hơn 150.000 nông hộ nhỏ từ gần 100 làng khác nhau cung cấp khoảng 5.300 tấn cà phê Arabica cho KNCU. Lượng cà phê này chiếm khoảng 60% sản lượng cà phê của khu vực (con số này thay đổi theo thị trường và các thỏa thuận thương mại tư nhân).
Liên hiệp Hợp tác xã Người Kilimanjaro Bản địa – KNCU
KNCU là nhà cung cấp Fair Trade (Thương mại Công bằng) và xuất khẩu một số loại cà phê được xếp loại cà phê thương mại bình đẳng (Fair Trade Coffee). Hiểu theo nghĩa đơn giản, Fair Trade (Thương mại Công bằng) là hoạt động mà các nhà sản xuất ở các nước đang phát triển được các công ty ở các nước phát triển trả một giá hợp lý cho công việc của họ. Nhờ có sự giúp sức của Fair Trade, giá cà phê khu vực được bán giá cao hơn. Bao công sức, nỗ lực chăm chút hạt cà phê của người nông dân được đền đáp xứng đáng. Giờ đây, cuộc sống của họ đang ngày càng được cải thiện.
Lượng cà phê được KNCU thu thập và giao dịch chiếm khoảng 11% tổng sản lượng cà phê quốc gia Tanzania. KNCU cũng hỗ trợ nhân viên để làm việc với người nông dân nhằm cung cấp sự đào tạo, phát triển và kiểm soát quá trình trồng cà phê hữu cơ. Điều này góp phần cải thiện chất lượng và năng suất đồng thời giúp cải thiện môi trường và đem lại lợi nhuận cao hơn cho người nông dân.
Đa số những nông trại cà phê tại Kilimanjaro sử dụng phương pháp trồng cây cà phê dưới bóng râm của những cây cao và xen lẫn những bụi cây khác. Phương pháp sản xuất này bảo vệ sự đa dạng của hệ sinh thái, cung cấp chỗ trú ẩn cho các loài chim, loài động vật khác và góp phần bảo vệ sự phì nhiêu, màu mỡ của đất núi lửa nơi đây. Nhờ đó mà không chỉ được hưởng lợi nhuận cao hơn, những người nông dân còn giảm được rủi ro đối với sức khỏe do loại bỏ thâm canh hóa chất.
Về cà phê Tanzania
Cà phê đã xuất hiện tại Tanzania như thế nào?
Theo lịch sử truyền miệng, hạt cà phê được đưa từ Ethiopia tới Tanzania từ thế kỷ 16 bởi người Haya. Do đó, chúng được gọi là ‘Haya Coffee‘ hoặc ‘amwani‘. Nhiều ý kiến nhận định đây là một giống cà phê Robusta. Khác với ngày nay, người dân Tanzania khi đó không pha cà phê thành đồ uống. Thay vào đó, họ đun quả chín lên, hun khói trong vài ngày, rồi nhai nó.
Lịch sử canh tác cà phê tại Tanzania
Năm 1911, cà phê lần đầu tiên trở thành cây trồng mang lại lợi nhuận cho Tanzania. Thực dân Đức đã trồng Arabia khắp vùng Bukoba, phía Bắc Tanzania khi đó. Sau khi người Đức rời đi, bộ lạc Chagga ở vùng núi Kilimanjaro cũng đẩy mạnh canh tác cây cà phê tại quốc gia này.
Sau Thế chiến thứ nhất, thực dân Anh chiếm vùng Bukoba và phát động chiến dịch trồng trên 10 triệu hạt giống cà phê tại đây. Tuy nhiên, những xung đột giữa quân Anh và người Haya đã tác động xấu tới việc trồng cà phê, khiến sản lượng vùng này không tăng lên so với vùng Chagga. Ngay thời điểm đó, hợp tác xã đầu tiên được thành lập vào năm 1925, được gọi là Hội những người trồng trọt bản địa Kilimanjaro (Kilimanjaro Native Planters Association – KNPA), tiền thân của KNCU sau đó. Chính điều này đã mở ra một con đường mới cho người nông dân Tanzania. Giờ đây, cà phê của họ được bán thẳng tới London với giá cao hơn.
Tình hình sản xuất cà phê tại Tanzania
Tới khi giành độc lập năm 1961, chính phủ Tanzania dồn nhiều sự ưu tiên vào cà phê với hy vọng sản lượng tăng gấp đôi trước năm 1970. Tuy nhiên, thật đáng buồn khi kế hoạch này đã không thể thực hiện thành công. Tanzania khi đó phải vật lộn với rất nhiều khó khăn, từ tăng trưởng công nghiệp châm, lạm phát cao, tới suy giảm kinh tế. Khó khăn chồng chất khi ngành công nghiệp cà phê Tanzania đã phải trải qua một bước thụt lùi nghiêm trọng vào cuối những năm 1990. Bệnh héo rũ trên cây cà phê đã lan rộng và gây ra thiệt hại đáng kể cho cây cà phê ở phía Bắc, gần biên giới với Uganda.
Đời sống của những người trồng cà phê tại Tanzania còn nhiều khó khăn
Ngày nay, Tanzania sản xuất một lượng Robusta tương đối nhỏ, sản lượng này tập trung ở phía Tây Bắc, gần Hồ Victoria. Giống Arabica được trồng tại các khu vực khác trong nước do đáp ứng được độ cao. Nổi bật và lâu đời nhất được biết đến là vùng Kilimanjaro. Khu vực này nổi tiếng nhất là ba loại cà phê Moshi, Arusha và Kilimanjaro. Những loại cà phê này được trồng ở vùng đồi Kilimanjaro, cạnh Kenya, ở độ cao khoảng 1.200m so với mực nước biển. Nó đáp ứng tiêu chuẩn độ cao chậm tích lũy chất lượng cao dành cho cà phê Strictly High Grown – SHG (Cà phê trồng nghiêm ngặt).

Theo thống kê của Cafelmports, Tanzania có khoảng 450.000 hộ gia đình nhỏ vào năm 2017. Tanzania hiện đứng hàng thứ 15 trong danh sách các nước xuất khẩu cà phê, hơn 1 bậc so với quốc gia láng giềng Kenya. Khối lượng xuất khẩu hàng năm là 790.000 bao (60 kg/bao), các thị trường chính là Nhật Bản (22%), Ý (19%) và Hoa Kỳ (12%).
Hương vị đặc trưng của cà phê Tanzania
Dù gặp nhiều khó khăn trong trồng trọt và sản xuất nhưng chất lượng hương vị cà phê Tanzania chưa bao giờ gây thất vọng.
Hầu hết các loại cà phê Tanzania đều có chung đặc tính hương vị mạnh mẽ, sắc nét cùng vị chua đặc trưng của cà phê châu Phi. Body từ trung bình trở lên cùng hương vị phong phú. Các loại cà phê Tanzania khác từ vùng Kilimanjaro còn xen lẫn hương hoa mềm mại, tinh tế. Nếu bạn đang tìm kiếm loại cà phê có body tốt cùng hương vị anh đào chín mọng, một chút vị ngọt, thơm ngậy của cacao và các loại hạt rang, cà phê Tanzania là sự lựa chọn không thể bỏ qua.
Về phương pháp chế biến Ướt
Cà phê trước tiên sẽ được những người nông dân hái lựa cẩn thận bằng tay. Những quả xanh, quả quá chín sẽ được chọn lọc kỹ càng và loại bỏ.
Những quả xanh hoặc quá chín được loại bỏ
Sau đó, những quả cà phê chín đỏ tươi mới sẽ được cho vào máy xát vỏ thịt quả ngay trong ngày, sau khi vừa được hái để đảm bảo chất lượng. Những hạt cà phê sau khi ra khỏi máy xát được đưa đến trạm sơ chế. Tại đây, hạt cà phê được ngâm trong nước và lên men tự nhiên. Cuối cùng, sau khi được rửa sạch, hạt cà phê sẽ được phơi khô trên giàn cao thông thoáng đến khi đạt độ ẩm lý tưởng.
Với phương pháp chế biến ướt, bạn sẽ cảm nhận được hương vị hoa quả sống động, vị chua sáng, trong trẻo, rõ ràng khi thưởng thức cà phê.
1 đánh giá cho Tanzania Kilimanjaro – Cốc Latte béo ngậy và cân bằng từ nơi nóc nhà châu Phi