Phải bắt đầu thế nào đây nhỉ ?

Tôi cũng là một thằng ghiền cà phê như hàng trăm, hàng nghìn người khác như ngoài kia. Con đường cà phê của tôi cũng bắt đầu với cà phê hòa tan, rồi Trung Nguyên đủ các số, với cái ngọt của sữa, cái đắng của những ly cà phê đen đậm. Rồi lớn lên một chút là những Đinh, những Giảng, những Lâm, với những ly cà phê, với không gian đậm chất Hà Nội xưa.

Nhưng rồi vì muốn con đường cà phê của mình nó khác đi một chút, nó vui hơn một chút mà tôi đã có một hành trình cà phê đầy sung sướng và đau thương.

Và để mọi người dễ nắm bắt hơn, tôi sẽ phân cuộc hành trình đó thành 5 giai đoạn.

GIAI ĐOẠN 1: Tò Mò

GIAI ĐOẠN 2: Thử Nghiệm

GIAI ĐOẠN 3: Đau Thương

GIAI ĐOẠN 4: Hồi Sinh

GIAI ĐOẠN 5: Lên Đỉnh

Cà phê Đinh bờ Hồ Hoàn Kiếm.

GIAI ĐOẠN 1: Tò mò

Lúc bắt đầu giai đoạn này, tôi chẳng bao giờ nghĩ mình sẽ uống thêm nhiều loại cà phê mới hay chơi nhiều thứ liên quan đến cà phê, tôi chỉ nghĩ hành trình cà phê của mình vẫn sẽ “ta mình ta với ly đen đá đậm đà”. Nhưng đúng lúc đó, có một sự kiện đã khiến tôi phải suy nghĩ lại về hành trình cà phê của mình.

Đó là một ngày mùa đông 2 năm trước, trời hôm đó có gió nên lạnh hơn đôi phần, người người nhà nhà thì rủ nhau đi ăn ốc, ăn lẩu, còn nhóm bạn tôi thì rủ đi uống trà cho đổi không khí. Mà công nhận, trời lạnh đi uống trà ấm ăn thêm miếng bánh đậu xanh thì phải nói là phê không tưởng.

Khoảnh khắc đi uống trà cùng anh em

Tôi thì cũng khá sành trà và hay đi uống, nhưng chủ yếu là trà đá 3000 một cốc thôi, còn đi đến quán chuyên trà thì chưa bao giờ. Khi đến đây tôi thực sự bị bất ngờ bởi thứ được gọi là trà.

Trà ở đó có cả chục loại khác nhau, mỗi loại lại có những hương vị riêng biệt tùy vào cách lên men, sơ chế. Có khi cùng là một loại trà trong một trang trại nhưng lại có thể có những hương vị hoàn toàn khác nhau. Đó có thể các mùi hương hoa, mùi khói, mùi thảo mộc…cho đến vị ngọt đầu lưỡi của một số loại quả khác nhau.Lúc đó tôi đã nghĩ:

“ Tại sao cùng là nhóm đồ uống được tiêu thụ nhiều nhất trên thế giới, nhưng trà lại có nhiều hương vị đến thế, trong khi cà phê mình uống từ trước đến giờ chỉ toàn đắng và chẳng có mấy hương vị. Có gì đó sai sai ở đây thì phải”

Đó là lúc mà tôi dấn mình vào giai đoạn thứ hai của hành trình cà phê.

GIAI ĐOẠN 2: Thử Nghiệm

Từ câu hỏi còn bỏ ngỏ đó, tôi bắt đầu hành trình tìm kiếm và nâng cấp trải nghiệm cà phê của mình. Tôi muốn tìm những hương vị cà phê thật khác với thứ mình uống trước kia.

Tôi bắt đầu quá trình thử nghiệm này bằng 2 bước

Bước 1: Tự đi mua và chọn các loại cà phê nguyên hạt ở những nơi được người “sành” cà phê giới thiệu. Và ngay sau khi được sự chỉ dẫn của những chú lớn tuổi cùng công ty, tôi phóng ngay con xe “làn sóng Alpha” của mình lên những con đường đông đúc ở phố cổ Hà nội, nơi có hàng chục cửa hàng cà phê lớn nhỏ khác nhau chuyên bán cà phê nguyên hạt lâu đời.

Một quán chuyên hạt cà phê trên phố cổ

Dừng lại ở một cửa hàng cà phê to khổng lồ, tôi bước vào và choáng ngợp với hàng chục hũ thủy tinh đầy ắp cà phê với những loại cái tên như: Chồn, Culi, Blue mountain…Tiếp đón tôi ở đây là một chị chủ quán trẻ măng. Chị vừa mới chia tay một đoàn đoàn khách tây vào mua cà phê thì quay sang tôi với nụ cười tỏa nắng:

“Em muốn mua cà phê gì, hay với giá bao nhiêu, ở đây loại gì cũng có nhé” 

“Em muốn thử mấy loại cà phê chồn thì giá bao nhiêu ạ” – tôi nhẹ nhàng hỏi chị.

Nhận được câu hỏi của tôi, chị nhanh chóng làm điều mà mình rất giỏi: Chốt Sale

“Bên chị có loại 300k, 500k, cả loại 1000k. Em cứ cho chị một con số để chị phối trộn cho em”

Và rồi chỉ trong chớp mắt, tôi có ngay nửa ký cà phê CHỒN HẢO HẠNG được đóng túi đoàng hoàng. Xách chiếc túi to đùng về nhà trong lòng hí hửng, có cà phê rồi, giờ là lúc tôi bắt đầu bước 2.

Bước 2. Nâng cấp kho dụng cụ cà phê

Không biết đọc ở đâu, nhưng lúc đó tôi chỉ nghĩ việc thay đổi cách pha cà phê sẽ giúp mình nâng cấp được hương vị cà phê lên. Và thế là lần lượt tôi sắm thử dụng cụ pha Cold Brew, French Press, Pour Over, cộng với đó là một chiếc máy xay cà phê mới cóng.

Kho dụng cụ cà phê của tôi hồi mới bắt đầu

Và rồi khi đã có đủ dụng cụ xịn và cà phê “ngon”, tôi đi ngay vào việc pha cà phê của mình và hằng mong ước mình sẽ tìm được chân vị giác tuyệt mỹ của cà phê. Nhưng không ! Đây là đời chứ không phải phim. 

Cà phê vẫn đắng và chỉ có bằng đấy hương vị, dù đó là cà phê pha theo kiểu Coldbrew hay Pour Over.

Chán nản thực sự luôn! Tôi thấy đau cả lòng lẫn ví.

GIAI ĐOẠN 3: Đau thương

Tôi ngồi lại suy nghĩ, rồi lại tự vấn bản thân không hiểu rốt cục là mình đã làm gì sai.

  • Mình chọn cà phê sai sao ?
  • Mình không biết pha cà phê hay sao ?
  • Mình không có duyên với cà phê hay sao ?
  • Tất cả những điều mình từng nghe là giả dối hay sao

Đau đầu quá ! Aaaaaaaaa !

Và thế là tôi đành ngồi chơi game cho đỡ đau đầu và cố gắng trả lời những câu hỏi ấy trong lúc chơi game.

Nơi tôi có suy nghĩ đem đến bước ngoặt

Vừa chơi, tôi vừa cố gắng lục tìm trong ký ức những hương vị cà phê khác biệt, những cốc cà phê đặc biệt mà mình từng uống ở các quán khác nhau. Và rồi trong lúc có được một pha Triple Kill thần thánh tôi đã nghĩ ra được vài điều.

Tôi nhớ về một ly cà phê kỳ lạ trong lần tôi đi mua máy xay cà phê, tôi nhớ cái vị chua đặc biệt vô cùng của nó, tôi nhớ mang máng đó là một loại cà phê từ Châu Phi. “À đúng rồi là Kenya !” Tôi thốt lên và chợt nhận ra đó là ly cà phê khác biệt nhất mà tôi từng được uống.  

“Liệu có phải là do cách pha không ? Không, chắc không phải rồi, vì họ lúc đó cũng pha Coldbrew giống mình mà…” – Tôi cứ tranh luận như thế trong đầu để rồi bị một viên đạn của đối phương hạ gục.

Tôi thoát game trong những suy nghĩ vẩn vơ trong đầu; “Hay liệu đó có phải do mình chọn không đúng loại cà phê không nhỉ”. Thế là tôi quay lại máy tính và ngồi hàng tiếng tìm kiếm trên google, tôi tìm những thông tin về loại cà phê từ Kenya mà mình từng được uống, về những thông tin liên quan đến loại cà phê này. Hàng loạt keyword hiện lên trước mắt tôi: Single Origin, Cà phê hoa quả, SCA, … Nhưng có một điểm chung là tất cả đều chỉ về một mối:

CÀ PHÊ SPECIALTY

Và đó là lúc tôi biết đây là hướng đi tiếp theo của mình.

GIAI ĐOẠN 4: Hồi sinh

Thế giới cà phê này khác xa với những gì tôi từng biết. Như những gì tôi được đọc, loại cà phê này thực sự có đủ loại hương vị hoa quả như điều tôi đang tìm kiếm, không những thế những hương vị ấy lại đều từ tự nhiên. Tự nhiên ở đây tức là tự hạt cà phê có những hương vị ấy, chứ không phải do pha tẩm thêm bất cứ thứ gì cả. 

Sự khác biệt hương vị là thứ nhất, điều thứ hai làm tôi bất ngờ là những loại cà phê này có khá là nhiều thông số như: Độ cao, Giống, Tên Trang Trại, Người rang cà phê, Mức rang cà phê… Thực sự lúc đó tôi cũng chẳng thể hiểu hết ý nghĩa của những thông số ấy, nhưng nó lại tạo cho tôi cảm giác khá yên tâm so với những loại cà phê trôi nổi ngoài kia.

Cái cuối cùng khiến tôi bối rối và sững sờ đó là: Giá Thành

ĐẮT HƠN HẲN. Với loại cà phê này, tôi không thể mua được cả cân, cả ký cà phê với cái giá 250k – 300k như ngày trước. Đa phần cà phê Specialty đều có giá cả triệu đồng một cân, dù là nguyên hạt hay xay sẵn. Thực sự mà nói thì lúc đó tôi cũng hơi chùn vì chưa có lương. Nhưng sau một hồi đắn đo thì tôi tặc lưỡi nghĩ: “chắc tiền nào của đấy, cứ thử xem sao” .

Thế là sau vài phút order, tôi chốt thử ngay một túi cà phê 2 lạng từ Ethiopia vùng Yirgacheffe làng Wonago với giá 250k (túi đầu tiên nên nhớ kỹ lắm =)). Lý do tôi chọn loại này vì trong phần giới thiệu có nói Ethiopia là nơi phát tích của cà phê, cùng với đó là do trong phần hương vị có nói loại cà phê này có hương hoa nhài, loại hoa mà tôi yêu thích.

Ba loại cà phê Specialty đầu tiên tôi được uống thử, từ trái qua phải Núi Min Việt Nam, Honduras Cup of Excellence, Ethiopia Yirgacheffe.

Chỉ sau vài hôm đặt là cà về, tôi chỉ chờ anh Giao Hàng Nhanh đỗ xịch trước cửa là phóng ra lấy cà đem vào test thử luôn. Lấy ra 20g ra xay cho lần pha đầu tiên, thực sự ngay từ lúc hạt cà phê đầu tiên vỡ ra, một mùi hoa nhài dịu nhẹ đã bốc lên rồi rồi. Sướng ! tôi vô cùng cực kỳ tự tin về loại cà phê mình chọn, thế là chỉ chờ nước sôi là đâm đầu vào pha ngay. Sau 3 phút chờ nước chảy hết, tôi rót ngay cho mình một ly uống ngay và luôn. Và thật bất ngờ !

Ly cà phê của tôi đúng là có hương và vị khác hẳn, nhưng vẫn đắng thế không biết ! Èo…

Tôi ngay lập tức vào lại web xem lại chỉ dẫn pha cà phê và đọc được rằng:

“ Không nên dùng nước sôi để pha cà phê, nên dùng nước có nhiệt độ từ 88 – 92 độ để pha cà phê. Ngoài ra do thứ tự chiết suất của cà phê thường là Chua – Ngọt – Đắng – Chát, thế nên bạn có thể căn chỉnh thời gian pha để lấy được đúng hương vị mình mong muốn”

Pha Pour Over cùng với ấm trà mạn

Sau khi đã đã hiểu vấn đề là gì, sang lần pha thứ 2 tôi để nước sôi nguội bớt đi một chút mới pha, cùng với đó là để thời gian pha còn tầm 2 phút. Và kết quả là.

Cà phê uống như trà nhài cho thêm vài lát cam và gần như không còn đắng một chút nào. 

Thực sự chẳng biết diễn tả cảm xúc lúc đó như thế nào nữa: vui có, sướng có, phê có, cảm giác lúc ấy đúng kiểu cảm giác lúc mà tôi được TOP 1 trong trò chơi mình hay chơi.

“Đúng đường rồi, giờ tiếp tục thôi !”.

GIAI ĐOẠN 5: Lên Đỉnh

Có được trải nghiệm lần đầu khá tốt, tôi cứ thế phăm phăm tiến vào thế giới cà phê này. Cứ dần dần, tôi thử từng loại cà phê mới, tôi đi từ Châu Phi với Ethiopia, Kenya, Tanzania rồi sang tới Châu Mỹ với Honduras, Costa Rica, Guatemala, cuối cùng một thời gian sau thì lại quay lại Châu Á với Đà Lạt, Việt Nam..

Mặc dù chưa thể lên đến trình độ nếm được mọi hương vị trong mỗi loại cà phê, nhưng sau khi được thử nếm, thử uống nhiều loại cà phê khác nhau, tôi cũng có được cho mình một nhóm hương vị yêu thích. Tôi thích những loại cà phê có nhiều hương hoa như nhài hay hồng. 

Và cũng vì đi uống nhiều, đi mua nhiều nên tôi tôi biết được mình không hề đơn độc. Có cả một cộng đồng chơi cà Specialty khá là lớn ở nơi tôi sống. Các anh em chơi cà đến từ đủ mọi ngành nghề khác nhau nhưng nhiều nhất vẫn là nhóm Designer, nhà báo, IT, Giảng viên…. Tôi vì thế cũng nhanh chóng kết thân được với vài anh em sau vài bình Pour và vài tiếng bàn luận về hương vị cà phê ngoài quán.

Cứ thế lâu lâu anh em chúng tôi lại rủ nhau đi “Off cà phê”. Trong nhóm lại may mắn có vài người anh hay được đi nước ngoài công tác, thế là mỗi lần đi về là lại có cả đống cả mới cho anh em ngồi test thử. Và giờ đây mỗi lần chúng tôi đi cà phê thực sự là vì cà phê, thực sự tập trung vào cà phê, mọi thứ khác giờ đây chỉ còn là phụ.

Cũng vì đi nhiều với anh em nên tôi cũng học được khá là nhiều meo như: Những loại cà phê sơ chế ướt uống vào sẽ sáng và lên được những chua dịu, còn cà phê sơ chế khô thì thường đầm và dày hơn, hoặc việc dùng French Press để đánh sữa lạnh có thể làm latte cực ngon hay dùng phễu V60 để làm Ice Drip khiến cà phê uống khác hẳn Cold Brew…

Và cũng nhờ học thêm được nhiều kiến thức mới, tôi cực kỳ tự tin để quay lại với đống dụng cụ tôi đã mua từ xưa. Và lúc này, khi cái “base” cà phê đã cực kỳ tốt, cực kỳ đa dạng hương vị, tôi lại có thể bắt đầu một hành trình mới.

Hành Trình Chinh Phục Dụng Cụ Pha Cà Phê.

Đó là cả một hành trình dài đem tôi đến với cà phê Specialty. Tuy dài, tuy tốn nhưng cuối cùng thì tôi cũng đến được đích, cũng đến được với những hương vị đa dạng đầy màu sắc của cà phê Specialty.

Còn bạn thì sao ! Nếu chuẩn bị hoặc sắp đi con đường này thì có thể lấy vài bài học đau thương trong trải nghiệm của tôi làm kinh nghiệm nhé.

Chúc bạn có một hành trình khám phá thế giới cà phê Specialty ngắn hơn, rẻ hơn và ngon hơn nhé !