Định nghĩa dễ hiểu

“…Một cốc cà phê pha với sữa có hình đẹp đẹp phía trên. Cụ thể hơn thì cốc cà phê này gồm một shot Espresso, một chút sữa nóng và “nhiều” chút bọt sữa. Gần như ai cũng có thể uống đồ uống này, do sữa đã làm dịu cà phê đi rất nhiều. Uống xong thì trên môi sẽ thường xuất hiện một lớp bọt trắng rất dễ thương…”

câu chuyện nguồn gốc

“…Có rất nhiều câu chuyện lý giải về nguồn gốc của Cappuccino…

Câu chuyện phổ biến nhất là món đồ uống này có nguồn gốc từ Ý từ những năm 1901. Cái tên Cappuccino xuất phát từ tên gọi của các nhà tu dòng Capuchin (tiếng La tinh: Ordo Fratrum minorum Cappucinorum), màu áo thụng của các nhà tu này tương tự như tông màu nâu của một tách cà phê. Còn cái đầu và mũ của họ thì….Chắc mọi người tự hình dung ra khi nhìn hình nhé.

Một ly Cappuccino cùng một nhà tu dòng Capuchin

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một câu chuyện cổ xưa nói về lai lịch của món đồ uống này. Câu chuyện ấy kể về một món đồ uống tên là Kapuziner từ thế kỷ 18 tại Áo, theo như ghi chép sớm nhất năm 1805 và 1850, Kapuziner là “một loại cà phê kèm đường, kem và gia vị”. Không biết có phải Cappuccino lấy ý tưởng từ món đồ uống này hay không, nhưng có khá nhiều người coi đây là món đồ uống tiền thân của các món Cappuccino hay Latte ngày nay. 

Bạn có thể xem thêm 1 video về cách phân biệt các loại cà phê như Cappuccino hay Latte ở đây:

Nói về Áo, thì đây là một trong những thủ phủ cà phê đầu tiên ở Châu Âu, nơi mà văn hóa uống cà phê phát triển vô cùng mạnh mẽ. Ngày nay, nước Áo luôn là một trong những nước có tỉ lệ tiêu thụ cà phê cao nhất thế giới, cao hơn cả nước Ý. 

Một quán cà phê ở thành phố Viên, Áo

Thế nhưng tại sao nước Áo lại có văn hóa cà phê phát triển đến vậy ? Tại sao những món như Kapuziner lại khai sinh ở đây? Tất cả sẽ được giải đáp trong câu chuyện sau:

Trận Chiến Thành Viên

Nơi bắt đầu lịch sử cà phê Áo

………………..

Đùng… Đùng… Rầm

Thành Viên rung lên bần bật sau những đợt pháo lớn của đoàn quân Hồi Giáo đông đảo từ đế chế Ottoman. 20 vạn quân Ottoman đã bao vây lấy thành trì này của người Cơ Đốc giáo trong hơn 2 tháng qua. Nếu thành Viên sụp đổ, con đường vào xâm chiếm Châu Âu của người Hồi Giáo sẽ rộng mở hơn bao giờ hết.

Thành Viên là một ngôi thành được thiết kế theo kiểu Vauban “khó công, dễ thủ” đầy huyền thoại, cộng với đó là nó cũng sở hữu một lượng pháo khá lớn. Nhưng với lực lượng mỏng chỉ chưa tới 8 vạn quân, cộng thêm lượng lương thực và quân tư trang hạn chế, nên nếu không được tiếp ứng kịp thời, thành Viên sẽ sụp trong thời gian ngắn nữa thôi.

Nhưng thật đen đủi cho người trong thành! Đến một con ruồi cũng khó bay ra huống chi là gửi thư xin tiếp viện.

Rất nhiều cuộc phá vòng vây đẫm máu đã diễn ra nhưng đều không thành công. Những vị tướng lĩnh thành trì đã phải đau đầu nghĩ ra đủ mọi cách, và cuối cùng họ cùng tìm ra một cách.

Tìm đến một người đàn ông nhỏ bé tên là Franz George Kolshitsky.

Kolshitsky có thể nói được cả tiếng Thổ Nhĩ Kỳ lẫn tiếng Arab, cộng thêm ông có vóc dáng khá giống với lính tráng phía bên kia. Thế nên ông được người tướng giữ thành giao cho một nhiệm vụ còn gay cấn, nguy hiểm hơn cả “Nhiệm Vụ Bất Khả Thi – Mission Impossible” của Tom Cruise. Ông sẽ phải hóa trang thành quân Ottoman và mang theo bức thư xin cứu viện đến Ba Lan.

1 vị Sultan của Ottoman cùng đoàn quân của mình

Với quãng đường cả trăm cây số, đi qua hàng trăm chốt chặn đã bị chiếm đóng bởi quân đội Ottoman. Đó thực sự là một chuyến đi không biết kết quả, chỉ có hi vọng mà thôi.

Sau khi ông đi, quân và dân thành Viên vẫn tiếp tục chiến đấu anh dũng đập tan rất nhiều cuộc công thành của quân đội phía bên kia. Nhưng sức người có hạn, sau một lần đào hầm thành công, quân Ottoman đã phá thủng được một phần công sự và sẵn sàng tràn vào thành.

Lúc này ngay cả những người tướng lĩnh kỳ cựu nhất, những người kiên định nhất cũng đã nghĩ tới một kịch bản đen tối.

Ù….ù….ù. Một tiếng tù và xung trận vang lên

Bất chợt từ phía những ngọn đồi xung quanh thành Viên. Một đoàn quân giáp trụ sáng ngời với gươm với giáo đang rầm rập tiến xuống. Trên vai họ là những đôi cánh thiên thần sáng ngời ánh bình minh, mặt đất rung chuyển mỗi nơi họ đi qua.

Đoàn quân có cánh của vua Sobieski đến tiếp viện thành Viên

Người dân lẫn tướng sĩ thành Viên những tưởng đó là đoàn quân thần thánh do Chúa cử đến để cứu giúp họ. Nhưng không, đó là gần 20.000 kị binh Winged Hussars của Ba Lan, do vua Sobieski trực tiếp chỉ huy thành nhiều cánh đang phá nát đội hình quân Ottoman.

(Bạn cứ liên tưởng cảnh này với cảnh đoàn quân Rohirrim trong trận đánh tại cánh đồng Pelanor cuối phim “Chúa tể những chiếc nhẫn” phần 3).

Và cũng trong lúc đấy từ trong thành Vienna, những người lính còn khỏe mạnh cũng ra trợ chiến. Đoàn quân Ottoman hoảng loạn rút lui để lại hầu hết quân tư trang mà không kịp mang đi gì cả. Họ đè lên nhau mà chạy trong hoảng loạn.

Những tiếng hò reo vang lên khắp mọi nơi, người dân Vienna đổ tràn ra đường vui mừng trong chiến thắng vĩ đại ấy. Và trong nhóm người đang vui đến phát cuồng ấy có Kolshitsky, người lính anh hùng của chúng ta, ông đã mang chiến thắng quyết định về với người Viên.

Sau trận thủ thành vĩ đại ấy, rất nhiều người đã được khen thưởng, trong đó có Kolshitsky. Nhưng không như mọi người khác có thể mua đất để đầu cơ bất động sản, hay mua ngoại hối, đầu từ BitCoin…

Kolshitsky có một suy nghĩ vượt thời đại hơn.

Ông dành gần hết số tiền để mua lại rất nhiều bao một loại hạt gì đó mà quân Ottoman để lại sau trận rút lui. Sau đó dùng số tiền còn lại mở một quán đồ uống có tên Blue Bottle, với mô hình không khác gì Starbucks, The Coffee House hay Highland.. ngày nay.

Quán Coffee House tên Blue Bottle đầu tiên ở Viên

Bạn đoán được nó là gì rồi chứ, không gì khác đó chính là những bao hạt Cà Phê, thứ mà người Ottoman lấy được từ các nước châu Phi và biến nó thành thức uống độc quyền của mình. Và Kolshitsky với vốn kiến thức học từ thời kỳ còn sống với người Ottoman, đã thực sự nhanh chóng đón đầu được làn sóng cà phê.

Từ sau quán Blue Bottle của ông, rất nhiều người khác đã làm theo và cũng đều thành công. Áo lúc đó gần như trở thành một trong những thủ phủ cà phê ở Châu Âu. Rất nhanh chóng, với vốn kiến thức cũng như trí sáng tạo của mình, người Áo đã tự chế ra rất nhiều món đồ uống với cà phê khác nhau, trong đó có món Kapuziner nổi tiếng kia.

Không chỉ thế, văn hóa uống cà phê tại Áo lúc đó cũng khá phát triển và vẫn còn giá trị duy trì đến ngày nay như: Cung cấp báo cho khách hàng đến quán ngồi đọc, phục vụ những ly nước lọc cùng với cà phê, có âm nhạc rất ấm cúng và dễ chịu tại quán…

Điều ta có thể rút ra ở đây là:

Tuy Áo tuy không phải là nơi đầu tiên ở Châu Âu có quán cà phê, Pháp, Anh mới là người làm điều đó. Thế nhưng, chúng ta sẽ không thể không công nhận rằng, văn hóa cà phê Áo có ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa cà phê của toàn thế giới. Về sau mỗi lần bạn uống cà phê Cappuccino thì hãy nhớ đến những câu truyện này nhé.

Một vài Fact hay về Cappuccino

  1. Cappuccino ra đời năm 1901 bởi một người Ý tên là Luigi Bezzera.
  2. Ngày mùng 8/11 hằng năm được coi là ngày quốc tế Cappuccino.
  3. Ở Italia, Cappuccino là món đồ uống truyền thống được phục vụ vào bữa sáng.
  4. Cái tên Blue Bottle về sau đã được một công ty cà phê ở Mỹ sử dụng. Công ty Blue Bottle này là một trong những công ty cà phê tiêu biểu cho làn sóng cà phê thứ 3 đầy hấp dẫn. 
Like Page Visty.vn - Cà phê Specialty để cập nhật thường xuyên những ưu đãi siêu hời, cà phê specialty đầy hương vị và đồ chơi pha chế siêu hay nha!

Trả lời