ĐIỀU BẠN CHƯA BIẾT VỀ CÀ PHÊ INDONESIA

Việt Nam có phải là nơi duy nhất trồng cà phê ở Châu Á??

Câu trả lời là không. Ngoài Việt Nam ra thì ở châu Á này còn rất nhiều nước trồng cà phê như Myanmar, Lào, Indonesia … Nhưng so với các quốc gia khác, Indonesia lại có những sự tương đồng đến kỳ lạ với Việt Nam. Dưới đây là 4 điểm tương đồng giữa cà phê Indonesia và Việt Nam.

1.CẢ INDONESIA LẪN VIỆT NAM ĐỀU TRỒNG CÀ PHÊ TỪ RẤT SỚM

Và đều là kết quả của quá trình khai thác thuộc địa.

Với Việt Nam là từ những năm cuối thế kỷ 19, khi mà người Pháp bắt đầu tiến hành khai thác thuộc địa và mang cây cà phê đến trồng lần đầu tại Nghệ An, Ninh Bình. Còn với Indonesia thì sớm hơn hẳn. Ngay từ những năm cuối thế kỷ 17, thực dân Hà Lan đã tiến hành việc đem cây cà phê đến đây trồng sau khi hoàn tất việc biến Indonesia thành thuộc địa của mình.

Những cây cà phê được trồng đầu tiên tại Indonesia trong quá trình khai thác thuộc địa của Hà Lan. Đó đều là những giống cà phê có nguồn gốc từ phi châu.

Thế nhưng, khác với Việt Nam và nhiều nước khác, cà phê Indonesia thời điểm đó đã được công ty Đông Ấn đưa đi khắp thế giới với cái tên cà phê Java. Người châu Âu lúc đó có một sự mê đắm kỳ lạ với dòng cà phê này. Ở nhiều nơi, người ta thay vì nói là: “Cho tôi một cốc cà phê” thì sẽ luôn nói là “Cho một cốc Java (A cup of Java), cho dù loại cà phê họ uống có đến từ bất kỳ nơi nào.

Công ty Đông Ấn Hà Lan là công ty đa quốc gia đầu tiên trên thế giới. Họ sở hữu một đội thuyền buôn vô cùng hùng mạnh lúc bấy giờ.

Một thông tin nhỏ ngoài lề: Chính những người thực dân Hà Lan ở Indonesia năm đó cũng từng nhăm nhe tiến vào Việt Nam. Những người thực dân Hà Lan ở đây chính là công ty Đông Ấn Hà Lan – Công ty quyền lực bậc nhất thế giới thời bấy giờ. Họ sở hữu gần như toàn bộ quyền lực của chính phủ Hà Lan, bao gồm việc phát động chiến tranh hay thành lập thuộc địa. Sau khi hoàn tất việc xâm lược Indonesia, toàn quyền Đông Ấn Hà Lan cũng bắt đầu nhòm ngó sang Việt Nam.

Thời kỳ này chúng ta đang ở trong một cuộc nội chiến lớn nhất lịch sử: Thời kỳ Trịnh – Nguyễn phân tranh. Chúa Trịnh lúc đó đã gửi một bức thư tới ngài toàn quyền Đông Ấn hiện đang ở Indonesia. Nội dung bức thư là để mượn quân đội và thuyền chiến của người Hà Lan nhằm tấn công chúa Nguyễn ở đằng trong. Đổi lại, chúa Trịnh có thể nhượng quyền cai trị một vài vùng đất cho người Hà Lan khi thắng lợi. Công ty Đông Ấn Hà Lan đã chấp nhận lời giúp đỡ và cử tàu chiến của mình đến. Những tàu chiến này đã gây hấn và bắt nhiều dân việt ở vùng biển đằng trong của chúa Nguyễn. Tuy nhiên, kết quả là những tàu chiến này hầu hết đều trở thành tàu “Hà Lan Bay… Xác” ngay sau đó. Lực lượng thủy quân đông đảo của chúa Nguyễn đã nhanh chóng bao vây và đánh chìm các tàu chiến này. Chỉ có một số ít tàu là kịp chạy thoát. Đây có thể coi là một trong những trận chiến đầu tiên mà Việt Nam đối mặt với hải quân châu Âu. 

2.ARABICA LÀ NHỮNG GIỐNG CÀ PHÊ XUẤT HIỆN ĐẦU TIÊN Ở HAI ĐẤT NƯỚC.

Sau đó mới là đến cà phê Robusta

Arabica là những giống cây cà phê đầu tiên mà người Pháp và Hà Lan mang đến Việt Nam, Indonesia. Những cây cà phê này đã phát triển khá tốt tại thổ nhưỡng của cả hai đất nước. Chúng đem đến một nguồn thu tương đối lớn cho “mẫu quốc” Pháp và Hà Lan. Thế nhưng, sau cùng cả hai đều bắt đầu chuyển sang với Robusta và phát triển mạnh mẽ với giống cây này.

Những cây cà phê Arabica đầu tiên ở Việt Nam từng được trồng ở các vùng đồng bằng miền bắc như Ninh Bình, Nghệ An, Phủ Lý…

Tại Việt Nam, đầu thế kỷ 20 người Pháp mang những giống cà phê Robusta đầu tiên tới trồng tại các đồn điền tại Tây Nguyên. Hợp với đất đai, hợp với khí hậu. Những cây cà phê này đã phát triển mạnh mẽ và đem lại sản lượng vô cùng lớn. Tuy nhiên, phải đến tận những năm 1986 thì ngành công nghiệp cà phê Việt Nam mới bùng nổ và vươn lên top 2 thế giới về xuất khẩu cà phê.

Bạn biết không. Có hai dòng cà phê chính là Robusta và Arabica. Arabica là dòng cà phê có nhiều vị chua ngọt hoa quả và ít đắng. Còn Robusta thì ít chua, ngọt nhiều và đôi khi cũng đắng hơn chút so với Arabica. Với mỗi dòng cà phê lại có rất nhiều nhánh nhỏ các giống khác nhau. Ví dụ như với Arabica sẽ là các giống: Typica, Bourbon, Catuai, Caturra…

Còn với Indonesia, từ cuối thế kỷ 19 người Hà Lan đã đưa giống cây Robusta tới đây để cứu ngành cà phê nước này. Bởi trước đó, Indonesia đã bị dịch bệnh rỉ sắt trên lá cà phê tàn phá gần như hoàn toàn. Cây cà phê Robusta với khả năng kháng bệnh tốt dần thay thế Arabica và được trồng ở hầu khắp các đảo của Indonesia. Và cũng không hề thua kém Việt Nam, sản lượng cà phê xuất khẩu của Indonesia cũng luôn nằm trong top đầu thế giới. 

Những trang trại cà phê rộng lớn ở đảo quốc Indonesia.

Ngày nay, mặc dù sản lượng cà phê Robusta ở cả hai đất nước vẫn chiếm phần lớn. Tuy nhiên, số lượng các loại cà phê Arabica chất lượng cao ở cả hai quốc gia đều đang tăng lên, đi cùng với đó là những hương vị cà phê vô cùng đa dạng. 

Những người nông dân Indonesia đang làm sơ chế cà phê theo cách sơ chế Wet Hulled cổ truyền của mình. Cách làm cà phê này tạo ra những hương vị cà phê chỉ có ở Indonesia.

3.VĂN HÓA CÀ PHÊ BÌNH DÂN VÀ GẦN GŨI VỚI TẤT CẢ MỌI NGƯỜI.

Dù đó là ở Việt Nam hay Indonesia

Cà phê ở cả Việt Nam và Indonesia là món đồ uống cho mọi tầng lớp nhân dân. Ở cả hai đất nước, văn hóa uống cà phê đã có từ rất lâu đời và trở thành một điều không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày. 

Món cà phê Kopi Turbruk khá giống món cà phê đen. Chỉ khác là trong cốc vẫn còn bột cà phê.

Ở Việt Nam, những món cà phê như Đen, Nâu, Bạc Xỉu có thể bắt gặp ở hầu hết mọi nơi. Từ những quán cóc vỉa hè cho đến những khách sạn 5 sao. Tương tự như thế ở Indonesia những món cà phê như Kopi Tubruk (hơi giống cà phê đen) hay Kopi Tarik (tương đồng cà phê vợt)… Bạn có thể order và bắt gặp món đồ uống này ở hầu như mọi nơi trên đảo quốc này. Có khác một chút là ở Indonesia, người ta không dùng phin để pha cà phê. Đôi khi họ chỉ ngâm bột cà phê với nước nóng và uống luôn. Hoặc là ngâm xong rồi lọc cà phê qua những chiếc vợt bằng vải, rồi sau đó thì cho thêm các loại gia vị như đường, gừng, sả…tùy từng món khác nhau.

Một món cà phê độc nhất vô nhị ở Indonesia. Một viên than hồng được cho vào cốc cà phê khi uống.

4.CÀ PHÊ CHỒN ĐEM LẠI SỰ NỔI TIẾNG CHO CẢ VIỆT NAM LẪN INDONESIA

Cứ nhắc đến cà phê chồn là người ta lại nhắc đến Indonesia và Việt Nam. Không ai biết quốc gia nào mới là nơi khai sinh ra loại cà phê này. Chỉ biết rằng, ở cả Việt Nam lẫn Indonesia, cà phê chồn vô cùng phổ biến.

Tuy nhiên bạn đừng nhầm lẫn đây là những loại cà phê do con chồn làm ra như cách gọi tên của người Việt. Trên thực tế, loại cà phê này là do nhưng con cầy tạo nên.

Loài cầy hoang dã là tác giả của những hạt cà phê kỳ lạ này. Bạn phân biệt kỹ nhẽ, nó là cầy không phải chồn đâu. Đừng gọi nó là chồn kẻo nó buồn đó.

Có một câu chuyện lan truyền về nguồn gốc loại cà phê này ở cả Indonesia và Việt Nam. Đó là vào thời kỳ thuộc địa khó khăn ở cả hai đất nước. Phần lớn cà phê làm ra được chuyển về mẫu quốc tiêu thụ hoặc được bán với giá rất cao. Những người dân bình thường muốn tự tay pha những hạt cà phê mình làm ra gần như là điều không thể. Cho đến một ngày họ để ý thấy những con cầy hoang dã khá thích ăn quả cà phê chín. Và khi thải ra, chúng chỉ tiêu hóa phần thịt quả cà phê, phần hạt còn nguyên vẹn ở trong phân. Họ liền thử đi thu nhặt những phần hạt ấy rồi về rửa sạch, phơi khô. Sau đó đem rang những loại cà phê đó lên để uống thử. Và thật bất ngờ, hương vị mà những hạt cà phê này đem lại không hề tệ chút nào, ngược lại còn khá là ngọt ngào, đầy đặn. 

Những hạt cà phê này nếu có được những chứng chỉ là từ tự nhiên hay organic thì vô cùng đắt đó. Nó đắt không hoàn toàn bởi hương vị mà là vì nó ít và hiếm. Để thu hoạch được một cân cà phê chồn thành phẩm trong tự nhiên, người thu hoạch có khi phải đi cả khu rừng mới kiếm đủ. Bởi loài chồn hoang dã không phải lúc nào cũng ăn quả cà phê mà còn là nhiều loại quả khác.

Theo dấu chồn hoang dã để tìm kiếm hạt cà phê chồn ngoài tự nhiên.

Tuy nhiền, ngày nay, việc nuôi nhốt chồn và sản xuất cà phê đã phổ biến hơn ở cả hai đất nước. Điều này giúp cho việc thưởng thức dòng cà phê này dễ dàng hơn. Những người phương Tây khi đến Việt Nam hay Indonesia du lịch thường mua nó về tặng bạn bè người thân. Và cũng chính vì nhu cầu này mà nhiều nơi nuôi nhốt chồn không đảm bảo đã xuất hiện và bị lên án mạnh mẽ. Điều kiện nuôi nhốt chồn ở những nơi này vô cùng tệ. Ngoài ra, chúng còn có thể bị hành hạ và thúc ép ăn cà phê nhằm tăng sản lượng.

Những chú chồn được nuôi nhốt để làm cà phê chồn với điều kiện sống cực kỳ tệ hại.

—————–

Đó là những điều tương đồng nổi bật nhất giữa cà phê Việt Nam và cà phê Indonesia. Thế nhưng giữa hai quốc gia này vẫn có một sự khác biệt lớn đó là:

HƯƠNG VỊ CÀ PHÊ.

Nếu ở Việt Nam, cà phê thường có những vị chua dịu nhẹ của hoa quả khô, hoặc chút men rượu vang. Thì cà phê Indonesia thì lại là những vị chua ngọt khá mượt mà với tông ngọt cao. Không chỉ thể, cà phê nơi đây còn có một số vị thảo mộc ngâm mật ong thơm ngọt lạ lùng. Và cả cà phê Việt Nam và Indonesia đều có thể đem lại một cảm giác vô cùng tròn đầy cùng hậu vị ngọt dài lâu ấn tượng.

Nếu bạn cũng đang tò mò về hương vị cà phê lạ lùng này thì có thể thử dòng Cà Phê Indonesia Gayo được khá nhiều người ưa thích tại Visty nha.

Like Page Visty.vn - Cà phê Specialty để cập nhật thường xuyên những ưu đãi siêu hời, cà phê specialty đầy hương vị và đồ chơi pha chế siêu hay nha!

Trả lời