TỔNG HỢP 8 CÁCH PHA COLD BREW TẠI NHÀ

cach pha ca phe cold brew tai nha

Pha Cold Brew không hề khó. Đơn giản chỉ là ngâm cà phê cùng nước nguội rồi ủ trong tủ lạnh trong một khoảng thời gian. Và vì nguyên lý đơn giản như vậy, nên những người pha cà phê có thể biến tấu và dùng nhiều cách khác nhau để pha được Cold Brew

Bởi vậy, trong bài viết này, tôi sẽ cố gắng liệt kê chi tiết điểm mạnh yếu của các cách pha Cold Brew phổ biến nhất hiện nay. Hi vọng điều này sẽ giúp bạn chọn được cho mình một cách pha phù hợp nhất. 

Để có thể tự tay pha ra được những cốc cà phê Cold Brew mát dịu đến tỉnh cả người từ năm này qua năm khác nhé.

———————————-

Sau gần 3 năm chơi, nghịch và học hỏi từ các bậc tiền bối về cách pha Cold Brew. Tôi xin được tổng hợp lại 8 cách pha Cold Brew từng pha và phân thành 3 level khác nhau. Đây sẽ là những cách mà tôi thấy không chỉ tôi mà còn rất nhiều anh chị em khác cũng đang dùng.

A. Level 1: Pha Cold Brew dùng dụng cụ pha chế chuyên dụng 

B. Level 2: Pha Cold Brew tận dụng các dụng cụ pha chế sẵn có tại nhà,.

C. Level 3: Pha Cold Brew gần như không dùng tới bất kỳ dụng cụ nào cả.

Còn giờ thì bắt đầu thôi nào

A. LEVEL 1: PHA CÀ PHÊ DÙNG DỤNG CỤ PHA CHẾ CHUYÊN DỤNG.

Đây sẽ là thứ dụng cụ mà phần lớn mọi người sẽ nghĩ và tìm kiếm đầu tiên. Vì những dụng cụ này ra đời là để dành riêng cho cách pha Cold Brew. Sự tiện lợi, chuyên dụng của nó có thể giúp bạn nhanh chóng có được cốc cà phê Cold Brew mát rượi và gần như không tốn chút mồ hôi nào cả.

Một số kiểu dáng bình Cold Brew hiện có trên thị trường. Từ trái qua phải Bình Cold Brew Hario, Bình Cold Brew Timemore, Bình Cold Brew Tumbler.

Trên thị trường hiện nay, phần lớn các dạng bình Cold Brew thường có kiểu dáng khá tương đồng gồm có:

  • 1 bình đựng để ngâm ủ cà phê.
  • 1 lõi lọc chứa bột cà phê gắn liền với bình đựng.

Bình ngâm ủ và lõi lọc đựng bột cà phê của bình Cold Brew Tumbler.

Lợi ích chính của các dạng bình pha này:

  • Ít công đoạn và dễ sử dụng: Tất cả điều bạn cần làm chỉ là cho cà phê vào lõi lọc – Lắp vào bình ngâm ủ – Thêm nước – Nhét vào tủ lạnh. Rồi sau đó là chờ đủ tiếng là uống cà phê thôi. 
  • Lọc được cà phê dễ dàng: Khi pha cà phê Cold Brew, công đoạn lọc bã cà phê ra khỏi nước là công đoạn mọi người dễ thấy oải nhất. Bởi lọc hoặc đổ không cẩn thận thì cà phê uống dễ bị lẫn bột cà phê. Hoặc đổ thẳng vào cống thì còn dễ bị tắc cống.

Sau khi ngâm ủ cà phê xong, chỉ cần tháo lõi lọc là có thể rót cà phê Cold Brew ra cốc uống luôn.

Dụng cụ pha này dành cho ai:

  • Những nhân viên văn phòng không có quá nhiều thời gian để pha chế và cần sự nhanh tiện.
  • Những người mới pha cà phê Cold Brew.

Chi phí đầu tư: Từ 200 – 700k

Khoảng giá biến thiên khá rộng. Từ 200k cho những bình nhỏ dành cho nhu cầu cá nhân tới 600k đến 700k cho một bình lớn có logo to từ thương hiệu lớn.

Một số lưu ý khi sử dụng:

  • Hãy chọn bình pha Cold Brew theo nhu cầu, lượng dùng. Nếu nhu cầu uống cá nhân: Bạn nên dùng các bình pha Cold Brew có dung tích dưới 500ml. Một số bình dung tích lớn hơn đôi khi sẽ không hỗ trợ bạn pha số lượng nhỏ. Bởi một số bình pha Cold Brew, phần lõi lọc được lắp khá cao, phải thêm đủ nước vào bình thì cà phê trong lõi lọc mới ngấm được nước. 

B. LEVEL 2: PHA CÀ PHÊ COLD BREW SỬ DỤNG CÁC DỤNG CỤ PHA CHẾ SẴN CÓ.

Các dụng cụ pha chế mà tôi cất giấu tại nhà. Vừa đủ để tôi sinh tồn và phê pha trong những ngày giãn cách.

Để tự làm Cold Brew tại nhà, bạn sẽ có thể dụng một số dụng cụ pha chế sẵn có sau:

  1. Dùng Phin truyền thống
  2. Dùng bình French Press
  3. Dùng bộ dụng cụ V60.

Cách pha cụ thể bằng các dụng cụ này sẽ được nêu chi tiết ở bên dưới. Còn bây giờ bạn hãy xem:

Cách pha Cold Brew Level 2 này dành cho ai:

  • Những bạn đã và đang có thú vui pha cà phê tại nhà.
  • Những bạn đã và đang sẵn có các dụng cụ pha chế cà phê tại nhà và và muốn tiết kiệm hơn khi chuyển sang pha Cold Brew.
  • Những bạn muốn muốn mở khóa thêm tiềm năng pha chế từ các dụng cụ pha chế sẵn có của mình.

Còn giờ thì đi vào cụ thể từng cách pha nhé.

1. DÙNG PHIN TRUYỀN THỐNG

Bạn cần chuẩn bị:

  • 1 chiếc bình, cốc hoặc vật đựng cà phê có nắp kín. Gợi ý là một chiếc bình thủy tinh.
  • Bột cà phê đã được xay.
  • Một chiếc phin truyền thống Việt Nam
  • Nước trắng ở nhiệt độ phòng.

Chi phí đầu tư: 

  • 0 Đồng nếu bạn đã có sẵn phin rồi đó.
  • Còn lại thì chỉ tầm 25k – 150k cho một chiếc phin cà phê thôi.

Một số lưu ý khi sử dụng:

Với cách pha này, cà phê khi uống có thể sẽ còn lợn cợn. Bởi phin cà phê không thể lọc được hết các phần bột siêu mịn được.

Cách pha: Chỉ tầm 4 bước là có thể có ngay một ly cà phê uống vào đầy đặn và béo mượt.

Bước 1: Đổ bột cà phê vào bình đựng. Visty hay dùng 20g cà phê cho một người uống.

Bước 2: Thêm nước vào theo tỷ lệ mong muốn. (Visty hay pha tỷ lệ 1g cà phê: 10ml nước. Nghĩa là với 20g bột cà phê Visty sẽ đổ 200ml nước vào để ngâm ủ.)

Bước 3: Đậy kín bình. Nếu không có nắp thì dùng màng bọc thực phẩm

Cho cả bình vào vào tủ lạnh để ngâm ủ trong vòng từ 14 – 20 tiếng tùy loại cà phê. Sau thời gian đó, bạn hãy mang bình ra ngoài và sẵn sàng dùng phin để lọc bã cà phê.

Bước 4: Lọc Cold Brew qua phin. Lưu Ý: Khi lấy bình Cold Brew từ trong tủ lạnh ra, phải cầm thật nhẹ nhàng để các phần bột cà phê không bị xáo động. Đổ thật nhẹ nhàng và từ trên cao xuống chiếc phin để tăng áp lực.

Xong rồi thì rót ra cốc và thưởng thức thôi.

2. DÙNG BÌNH PHA CÀ PHÊ FRENCH PRESS

Bình French Press là bình pha cà phê có nguồn gốc từ Pháp và Ý. Bình này hay dùng để pha cà phê nóng. Tuy nhiên nguyên lý của bình pha là ngâm ủ cà phê trong nước, thế nên nó không chỉ pha được nóng mà còn có thể pha được cà phê lạnh.

Bạn cần chuẩn bị:

Chi phí đầu tư: 

  • 0 Đồng nếu bạn đã có sẵn bình pha rồi đó.
  • Còn lại thì chỉ tầm 400 – 700k cho một chiếc bình French Press pha được cả nóng, cả lạnh. Cả cà phê lẫn trà.

Một số lưu ý khi sử dụng:

Với cách pha này, cà phê khi uống có thể sẽ còn lợn cợn. Bởi French Press không thể lọc được hết các phần bột siêu mịn được.

Cách Pha: Cũng chỉ tầm 3 bước để có thể có được một một ly cà phê tròn trịa, béo mượt mà.

Bước 1: Cho tầm 20 – 30g bột cà phê vào bình French Press. Lượng này vừa đủ cho 1 – 2 người uống.

Bước 2: Đổ 200ml – 300ml nước trắng ở nhiệt đồ phòng vào. Đổ xong thì khuấy đều để cà phê ngấm đều nước.

Cho bình vào tủ lạnh ngâm ủ trong khoảng 14 – 20 tiếng. Nhưng lưu ý không được nhấn nút của bình French Press xuống bạn nhé. Ngoài ra, hãy nên để bình French Press ở ngăn hông để tránh va chạm. 

Bước 3: Lọc bã cà phê. Sau thời gian ngâm ủ, với bình French Press thì bạn chỉ cần ấn chiếc lưới lọc xuống là được. Ngoài ra nếu bạn muốn cà phê trong trẻo hơn. Khi lấy ra từ tủ lạnh, hãy nhẹ nhàng cầm bình để bột cà phê không bị xáo động và rót ra một chiếc cốc khác.

Và sau đó thì rót ra cốc và thưởng thức thôi bạn ơi.

3. DÙNG PHỄU V60

Phễu V60 là một dụng cụ pha cà phê kiểu Pour Over. Nhưng dùng để hỗ trợ pha Cold Brew thì cũng được luôn. 

Bạn cần chuẩn bị:

  • 1 phễu pha cà phê Pour Over.
  • Bột cà phê.
  • Bình đựng cà phê. Nên dùng luôn chiếc bình Server hay đi kèm với chiếc phễu V60.
  • Nước trắng ở nhiệt độ phòng.
  • Đá viên.
  • Giấy lọc cà phê V60.

Chi phí đầu tư: 

  • Tầm 1000 đồng cho một tờ giấy lọc nếu bạn đã có sẵn phễu V60
  • Còn lại thì chỉ tầm 845k – 1200k cho một bộ 3 đồ cơ bản của bộ phễu V60 gồm Phễu, Bình đựng, giấy lọc.

Một số lưu ý khi sử dụng:

Với cách pha này, cà phê uống khá dịu nhẹ. Nên đôi khi những người thích cảm giác uống đầy đặn, nặng lòng, nặng miệng thì có vẻ sẽ thấy hương vị bị yếu. Để điều chỉnh, bạn có thể giảm tỷ lệ nước ngâm ủ cà phê đi một chút. 

Cách Pha: Bạn sẽ có được một ly cà phê Cold Brew trong trẻo và dịu nhẹ như trà với chỉ 5 bước pha sau:

Bước 1: Đổ bột cà phê vào bình đựng. Tôi hay dùng 20g – 30g cà phê cho mỗi lần pha, lượng này đủ cho 1- 2 người uống.

Bước 2: Thêm nước vào theo tỷ lệ mong muốn. (Tôi hay thêm nước theo tỷ lệ 1g cà phê: 10ml nước. Nghĩa là với 20g bột cà phê tôi sẽ đổ 200ml nước vào để ngâm ủ.)

Bước 3: Đậy kín bình. Nếu không có nắp thì dùng màng bọc thực phẩm

Sau khi đã đậy kín bình đựng, bạn hãy đem bình vào tủ lạnh để quá trình ngâm ủ Cold Brew được diễn ra. Tôi thường ngâm ủ cà phê 14 – 20h. Sau khoảng thời gian ngâm ủ, bạn hãy lấy bình ra và chuẩn bị cho công đoạn lọc cà phê nhé.

Bước 4: Chuẩn bị giấy lọc cho phễu V60. Ở khâu này, bạn hãy cho giấy vào phễu và tráng giấy bằng nước nhé. (Chú ý: Có thể dùng nước nóng để tráng giấy để tránh việc mùi giấy làm ảnh hưởng đến mùi cà phê).

Bước 5: Lọc bã cà phê qua phễu. Lấy bình chứa cà phê rót thật nhẹ qua giấy lọc. Bột cà phê, dầu cà phê sẽ được giấy lọc giữ lại. Và cuối cùng kết quả là bạn sẽ có được một bình cà phê Cold Brew thanh dịu như trà.

Lưu ý: Khâu này có thể phải đợi vài phút. Bởi vậy, trong thời gian đó, bạn có thể đi lấy cốc và thêm đá rồi sẵn sàng thưởng thức thôi.

Và đó là cách pha Cold Brew với sự hỗ trợ của phễu V60. Cách pha này hiện nay được rất nhiều người biết tới. Thế nhưng, chiếu phễu V60 này còn có thể đem đến cho bạn thêm 1 kiểu pha chế khác nữa cơ. Một cách pha vẫn có thể làm hương vị cà phê trong trẻo mượt mà như cách 1 nhưng tiết kiệm thời gian hơn.

V60 ICE DRIP

Một cách pha chế lai giữa Cold Brew và Ice Drip của Nhật Bản. Cách pha này Visty không tự nghĩ ra mà học hỏi được từ một người bạn Barista vô cùng sáng tạo khi làm việc cùng nhau. Cảm ơn bạn vì đã cho Visty biết được một cách pha hay ho và thú vị như vậy.

Chi phí đầu tư: 

  • Tầm 1000 đồng cho một tờ giấy lọc nếu bạn đã có sẵn phễu V60. Thêm 5000 đá lạnh.
  • Còn lại thì chỉ tầm 845k – 1200k cho một bộ 3 đồ cơ bản của bộ phễu V60 gồm Phễu, Bình đựng, giấy lọc.

Một số lưu ý khi sử dụng:

Với cách pha này, cà phê pha ra sẽ có thể có được một hương vị đầy đặn và mạnh mẽ hơn Cold Brew một chút. Cách pha hơi cầu kỳ một xíu, nhưng cũng khá vui để bạn thử đó.

Cách Pha:

Bước 1: Chuẩn bị phễu pha cà phê. Tráng giấy lọc bằng nước nóng để hết mùi giấy. 

Bước 2: Cho 20g bột cà phê vào phễu. Dàn đều cà phê trong phễu.

Bước 3: Làm ướt bột cà phê. Dùng 40ml – 50ml nước rót thật chậm để làm ướt đều bột cà phê.

Bước 4: Xếp đá lên bột cà phê. Dùng 160g  – 200g đá để xếp đều lên phần bột cà phê.

Bước 5: Đợi chờ. Để đá tan hết thì bạn sẽ mất tầm 3 – 4 tiếng. 

Bước 6: Hồi hương cà phê. Sau 3 – 4 tiếng đá chảy hết. Bạn hãy lấy phần nước cà phê có được và để vào tủ lạnh 15 – 30 phút để hương vị ổn định.

Bước 7: Thêm đá và thưởng thức

Thế bạn đã có các dụng cụ pha chế cà phê đơn giản tiện lợi này chưa?

Nếu chưa, thì Visty đang có chương trình trợ giá cho tất cả các dụng cụ pha chế cà phê tại nhà đó bạn à, để anh chị em ai cũng có đồ chơi pha cà phê dịp này. Bạn có thể xem thêm bên dưới.

Và phía trên đó là những những cách pha chế Cold Brew mà bạn sẽ phải dùng tới dụng cụ chuyên dụng hoặc đồ pha cà phê. Bên cạnh đó ở một level cao hơn, có những cách pha chế mà bạn sẽ dùng những thứ đồ chẳng liên quan đến cà phê. Đó là những dụng cụ mà những “bậc thầy” pha cà phê tại trong lúc thiếu đồ, cần cà phê nghĩ ra.

Đó là gì, mời bạn đọc tiếp phần dưới.

LEVLEL 3. PHA COLD BREW KHÔNG CẦN DÙNG BẤT KỲ DỤNG CỤ PHA CHẾ NÀO

1. Dùng túi lọc trà.

Cách pha này nhìn bên ngoài tương tự như cách bạn pha trà túi lọc vậy. Bạn chỉ cần cho bột cà phê vào túi, thít dâu lại sau đó ngâm vào một bình nước (nước nhiệt độ phòng) ủ trong tủ lạnh 14 – 16h. Lúc ủ xong thì chỉ cần nhấc nguyên túi lọc bỏ đi là xong.

Bạn cần chuẩn bị:

  • 1 chiếc bình, cốc hoặc vật đựng cà phê có nắp kín. Một chiếc bình thủy tinh hoặc bình nhựa lớn sẽ là lựa chọn hợp lý cho cách pha này.
  • Bột cà phê đã được xay.
  • Nước trắng ở nhiệt độ phòng.

Chi phí đầu tư: 

  • Hiện nay, trên sàn thương mại điện tử lớn có chữ cái đầu là “S màu da cam”, bạn có thể tìm mua một bọc gồm 100 túi lọc trà này với từ 30 – 60k. Quá hời cho việc pha cà phê tại nhà.

Một số lưu ý khi sử dụng:

Với cách pha này, bột mịn cà phê đôi khi sẽ không được lọc hết, cà phê khi uống có thể sẽ khá là lợn cợn trên lưỡi.

2. Dùng khăn sữa trẻ em

Không biết ai là người sử dụng công cụ này đầu tiên, có thể là một ông bố bỉm sữa nào đó. Thế nhưng, dù là ai thì nó cũng có thể giúp người pha Cold Brew lọc cà phê khá ổn. 

Bạn cần chuẩn bị:

  • 1 chiếc bình, cốc hoặc vật đựng cà phê có nắp kín. Một chiếc bình thủy tinh hoặc bình nhựa lớn sẽ là lựa chọn hợp lý cho cách pha này.
  • Bột cà phê đã được xay.
  • Nước trắng ở nhiệt độ phòng.
  • 1 cái khăn sữa trẻ em.

Cách pha: 

Bước 1: Đổ bột cà phê và nước theo tỷ lệ vào bình đựng. Visty hay dùng 20g cà phê ngâm ủ với 200ml nước.

Bước 2: Đóng chặt bình đựng và ngâm ủ trong tủ lạnh 16 – 20 tiếng.

Bước 3: Chuẩn bị cốc lọc. Bạn có thể dùng nịt để bọc tấm khăn sữa trẻ em lên trên cốc như hình vẽ.

Bước 4: Lọc bã cà phê. Bạn hãy nhẹ nhàng rót cà phê qua phần khăn sữa để các phần bột min đỡ bị xáo động và đổ ra ngoài nhiều.

Bước 5: Thưởng thức.

Lưu ý: Bạn có thể dùng lại chiếc khăn sữa đó cho lần 2, 3. Tuy nhiên nhớ giặt nó thật kỹ nhé, đặc biệt là trong trường hợp bạn dùng các loại cà phê rang đậm có nhiều dầu. Nhớ giặt kỹ nếu không bạn sẽ không muốn cà phê của mình bị dính mùi cà phê cũ đâu.

Chi phí đầu tư: 

  • Hiện nay, 1 bọc khăn sữa trẻ em này hiện đang có giá từ 30 – 60k. Tuy nhiên, nếu nhà bạn có em bé có thể xin một vài cái cũng được đó.

Một số lưu ý khi sử dụng:

Với cách pha này, bột mịn cà phê đôi khi sẽ không được lọc hết, cà phê khi uống có thể sẽ khá là lợn cợn trên lưỡi.

Cuối cùng, cách pha tối thượng, IQ vô cực mà không phải dùng bất cứ công sức, dụng cụ nào mà vẫn có cà phê Cold Brew để uống.

3. Order tại quán.

Bạn không phải đổ mồ hôi để pha.

Bạn chẳng phải mất công dọn dẹp

Tất cả điều bạn cần làm là ngồi điều hòa mát và nhâm nhi ly Cold Brew đủ phong cách.

Mỗi một quán cà phê lại có một công thức riêng, một vị Cold Brew riêng. Bởi vậy, trong những ngày nắng nóng, dịch dã không đi đâu được. Bạn cũng có thể order một chai, một cốc Cold Brew của quán quen. Để ủng hộ và giúp họ vượt qua thời kỳ khó khăn bạn nhé.


Và đó là tổng hợp tất cả các cách pha Cold Brew mà tôi đã góp nhặt, chơi thử và phê pha trong 3 năm qua. Ngoài các cách trên, tôi cũng còn một số cách khác nữa, tuy nhiên những cách này không được thân thiện với người pha chế tại nhà cho lắm, nên khi có ai đến Visty chơi thì tôi có thể chia sẻ thêm cho mọi người. 

Còn giờ thì, với tổng cộng gần 7 cách pha Cold Brew phía trên, bạn tôi ơi pha luôn Cold Brew nhanh mát thôi nào.

—————————————

PHẦN BONUS

Cách dọn bã cà phê sạch sẽ chống tắc cống.

Sau khi pha Cold Brew xong, công đoạn dọn dẹp bã cà phê có thể sẽ khiến bạn mất thêm khá nhiều thời gian. Bởi vậy, tôi xin chỉ bạn thêm một tip nhỏ giúp công việc này trở nên đơn giản hơn:

Hãy dùng chiếc rây lọc bột hoặc dụng cụ lọc mẻ.

Dụng cụ này rất phù hợp trong hầu hết các cách pha Cold Brew phía trên. Ngoài trừ các cách pha Cold Brew có sử dụng giấy lọc để lọc bã.

Để đổ bã cà phê thật sạch sẽ, bạn dùng rây lọc và làm theo 5 bước sau:

Bước 1: Đổ nước vào bình có chứa bã cà phê.

Bước 2: Lắc đều và mạnh tay cho nước và cà phê hòa trộn thành dòng.

Bước 3: Đổ qua rây lọc mẻ. Lúc này bột cà phê sẽ được giữ ở rây lọc.

Bước 4: Thêm nước vào bình thủy tinh và lắc đều để đổ tiếp lần nữa cho sạch bã cà phê.

Bước 5: Cầm vợt lọc mẻ đập vào thùng rác cho sạch. Dụng cụ lọc mẻ này hỗ trợ việc đập sạch sẽ bã cà phê. Bạn chỉ cần đập 1 – 2 lần là sẽ thấy cái rây lọc sạch gần như không còn chút bã cà phê nào cả.

—————-

Chúc bạn uống mát dọn cũng mát cùng với cách pha Cold Brew nhé. 

Ngoài ra, trong quá trình pha lần đầu, đôi khi bạn sẽ có thể có nhiều thắc mắc thì hi vọng bài viết này có thể hỗ trợ bạn giải đáp.

Like Page Visty.vn - Cà phê Specialty để cập nhật thường xuyên những ưu đãi siêu hời, cà phê specialty đầy hương vị và đồ chơi pha chế siêu hay nha!

Trả lời